Cách trình bày bài tiểu luận
Cách trình bày bài tiểu luận: Tiểu luận không đơn giản chỉ là những bài tập trong hoạt động nghiên cứu mà còn là những bài tập về cách thức giao tiếp. Tiểu luận cho bạn cơ hội để chứng tỏ bạn có thể làm được những gì; rằng bạn hiểu được câu hỏi đặt ra; hiểu được các vấn đề liên quan; và rằng bạn đã đọc khá đầy đủ về các vấn đề đó. Tiểu luận cũng cho phép bạn thể hiện khả năng suy nghĩ phân tích, và buộc bạn phải tuân theo một phương thức học tập sâu sắc và hiệu quả. Chính bởi những lý do này mà các bài tiểu luận thường được chọn như một hình thức để đánh giá ở các trường Đại học. Hình thức đánh giá này thường được lồng ghép vào các bài tập trong từng giai đoạn của một môn học và trong các kỳ thi. Hầu hết sinh viên sẽ được yêu cầu thể hiện khả năng học hỏi của mình thông qua hình thức đánh giá này trong suốt chương trình đào tạo của họ.
Quy trình viết tiểu luận
Có một số bước mà các sinh viên cần nắm vững:
Mỗi bước đều quan trọng. Tuy nhiên một số sinh viên không có sự chuẩn bị đầy đủ cho các bước phân tích câu hỏi, lên kế hoạch và biên tập, có lẽ một phần do thời gian dành cho bài tập là không đủ. Việc phân tích câu hỏi một cách sơ sài vẫn có thể tạo nên một bài luận với cách viết rất chỉnh chu, tuy nhiên không trả lời câu hỏi đặt ra hoặc không bám sát chủ đề. Việc lên kế hoạch một cách qua loa thường dẫn đến một bài luận có cấu trúc không chặt chẽ và gây khó khăn cho người đọc trong việc theo dõi. Thất bại trong việc biên tập bài luận có thể làm cho bài viết có nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp hoặc chấm câu.
Cấu trúc cơ bản của một bài tiểu luận
Tóm tắt tiểu luận | Các đoạn văn |
Mở đầu/giới thiệu | Định hướng người đọc Nhận diện trọng tâm/mục đích Giới hạn phạm vi Chỉ ra ý chính của toàn bài |
Nội dung (phần thân) | Câu chủ đề 1 Thông tin nhằm chứng minh/hỗ trợ Câu kết luận 1 |
Câu chủ đề 2 Thông tin nhằm chứng minh/hỗ trợ Câu kết luận 2 | |
Câu chủ đề 2 Thông tin nhằm chứng minh/hỗ trợ… Câu kết luận 2 | |
Kết luận | Nhắc lại ý chính của toàn bài Tóm tắt những luận điểm |
Mỗi phần, mục giới thiệu, phần nội dung và kết luận, đều có mục đích cụ thể. Điều này cũng có nghĩa là người đọc sẽ tìm kiếm những đặc điểm mong đợi trong mỗi phần đó.
Một bài tiểu luận truyền thống không gồm các đề mục. Ngược lại nó sẽ gồm những đoạn văn, và mỗi đoạn sẽ có ý hoặc mục đích lý luận riêng mà tác giả cần phải làm rõ bằng việc sử dụng những câu chủ đề để chỉ rõ quan điểm của mình. Câu chủ đề được đặt ở đầu đoạn văn.
Tuy nhiên, các giảng viên đã trở nên linh hoạt hơn trong những tiêu chí đặt ra cho sinh viên và trong một số trường hợp đã cho phép sinh viên sử dụng các đề mục trong những bài tiểu luận của mình. Các bài tiểu luận kiểu này thường được gọi là “tiểu luận theo dạng báo cáo”. Tốt nhất hãy luôn luôn hỏi giảng viên của bạn về việc họ có cho phép sử dụng các tiêu đề hay không nếu bạn không chắc.
Nhiều sinh viên thấy rằng sử dụng tiêu đề có thể giúp họ cấu trúc bài tiểu luận cho rõ ràng hơn. Nếu bạn cũng thấy điều này đúng nhưng giảng viên không cho phép bạn sử dụng các đề mục, hãy sử dụng các đề mục khi viết nháp, và sau đó chuyển chúng thành những câu chủ đề trong từng đoạn văn trước khi bạn nộp bài tiểu luận cuối cùng của mình.
Cách viết tài liệu tham khảo trong bài tiểu luận
Bạn được yêu cầu phải trích dẫn tài liệu tham khảo trong và cuối bài tiểu luận. Bạn phải ghi rõ tài liệu tham khảo mỗi khi sử dụng công trình của người khác dù bạn có dùng chính từ ngữ của mình để diễn đạt ý của họ (paraphrased) hay trích dẫn nguyên văn (direct quoted).
Nếu bạn không hiểu rõ điều này hãy xem thêm quy định về tài liệu tham khảo kèm ví dụ trong phần hướng dẫn về cách thức viết tiểu luận trên mạng của trường.
Tôi nên trình bày bài tiểu luận thế nào?
Một số sinh viên nghĩ sai rằng trình bày một bài tiểu luận có nghĩa là có những đề mục mới lạ, sử dụng các font chữ phức tạp và bài luận được trang trí một cách khéo léo. Hoàn toàn không phải như vậy – và thời gian dành cho những việc này sẽ không được tính thêm điểm – trong một số trường hợp còn mang đến điều tệ hơn. Bài viết được trình bày chuyên nghiệp, rõ ràng, và dễ đọc là chìa khóa giúp sinh viên đạt điểm cao.
Hãy luôn luôn xem lại những tóm tắt của môn học để có được những hướng dẫn cụ thể từ giảng viên của bạn. Nếu chưa rõ, hãy hỏi lại giảng viên, đưa câu hỏi này lên diễn đàn hoặc hỏi người phụ trách chấm bài tiểu luận. Có thể những sinh viên khác cũng có những câu hỏi tương tự, hoặc có lẽ câu hỏi mà bạn sắp đặt ra đã được trả lời trên diễn đàn của lớp.
Trong trường hợp không có hướng dẫn cụ thể, những điểm sau đây sẽ cho bạn một hướng dẫn chung khi trình bày bài tiểu luận của mình:
- Bài tiểu luận nên được đánh máy
- Giãn dòng ½ cỡ chữ (1/2 spacing) (một số giảng viên muốn sinh viên giãn dòng gấp đôi – double spacing)
- Canh lề 2.5 cm đều cả hai bên hoặc lùi vào thêm 5 cm nữa ở bìa trái. Người chấm cần có chỗ để ghi nhận xét.
- Sử dụng font Times New Roman 12pt.
- Đính kèm thêm một trang tiêu đề ghi rõ tên, MSSV, mã môn học và đề bài/câu hỏi của tiểu luận.
- Đánh số trang.
- Sử dụng tiêu đề trên (heater) hoặc tiêu đề dưới (footer) để ghi tên và MSSV của bạn ở từng trang.
- Luôn luôn giữ một bản copy cho những bài tiểu luận của bạn. Giữ cả file và bản in.
- Quan trọng nhất là sử dụng công cụ kiểm tra lỗi chính tả và ngữ pháp nhưng hãy nhớ rằng công cụ này không thể giúp bạn tránh khỏi toàn bộ các lỗi này. Bạn vẫn phải tự mình biên tập lại bài tiểu luận một cách cẩn thận.
Các bước viết một bài tiểu luận
Bước 1: Phân tích câu hỏi
Có một số câu hỏi mà bản thân nó đã chỉ ra nội dung và cấu trúc của một bài tiểu luận. Đó thường là một câu hỏi dài, vì vậy đừng ái ngại khi bạn gặp phải một câu hỏi khá dài.
Tuy nhiên, một số câu hỏi khác đòi hỏi bạn phải phân tích câu hỏi trước để xác định hướng yêu cầu và mức độ phân tích cần thiết. Khi gặp dạng câu hỏi này tìm ra những từ khóa trong câu hỏi sẽ giúp bạn trả lời tốt.
1. Tìm những từ có tính nội dung (content words) giúp chỉ ra bạn cần phải nghiên cứu cái gì; có nghĩa là bạn sẽ được kỳ vọng viết về cái gì. Chú ý đến những từ chỉ ra:
- Chủ đề chung – General topic (thường chỉ ra cho bạn một câu mở đầu thặt đắc cho phần giới thiệu) và
- Trọng tâm của câu hỏi – focus of the question (là điều mà giảng viên muốn bạn trả lời cụ thể)
2. Lưu ý đến những từ chỉ ra công việc phải làm, hay có tính hướng dẫn. Thông qua đó bạn sẽ biết mình phải tiếp cận câu hỏi như thế nào.
Những từ chỉ ra nhiệm vụ phải làm (task words) rất quan trọng bởi vì chúng xác định mức độ phân tích hoặc suy nghĩ cần phải có. Ở mức cơ bản những từ chỉ ra nhiệm vụ cần phải làm như so sánh, đối chiếu, phân tích và đánh giá khá phổ biến và đòi hỏi bạn phải trình bày những gì mình suy nghĩ về bài nghiên cứu chứ không chỉ mô tả lại những gì bạn tìm được. Những từ như mô tả, giải thích, và tóm tắt thường đi kèm với những câu hỏi ngắn. Phổ biến hơn ở cấp độ này là việc trình bày quan điểm của bạn. Nói cách khác, bạn sẽ phải tranh luận, sử dụng những nhận định của mình với các bằng chứng, thảo luận và lý lẽ hợp lý.
Bạn có thể tìm thấy một danh sách mở rộng dưới đây bao gồm các từ chỉ ra nhiệm vụ phải làm và ý nghĩa của những từ này.
3. Cuối cùng, hãy lưu ý bất kỳ giới hạn nào mà sẽ giúp bạn đọc vừa đủ với thời gian và số từ cho phép. Ví dụ, câu hỏi có thể yêu cầu bạn phải giới hạn phần trả lời của mình trong cụm từ “bối cảnh nước Úc”, “tội ác ở vùng nông thôn Úc” hoặc ‘các sự kiện sau năm 1900’.
Một câu hỏi có thể được phân tích như thế này:
– Câu hỏi: Chỉ số lượt sinh viên được nhận vào học tại trường Đại học (The UAI – University admissions index) là một chỉ báo tin cậy cho mức độ thành công của một trường Đại học. Thảo luận nhận định này.
+ Nội dung: Chủ đề: Thành công ở trường Đại học
+ Trọng tâm: Liệu UAI có phải là một chỉ báo tin cậy cho sự thành công? Chứ không phải là, ví dụ “Các chỉ báo cho sự thành công là cái gì?” mặc dù đây có thể là một phần trong câu trả lời của bạn.
+ Nhiệm vụ: Để thảo luận, cần điều tra và thẩm định bằng các lý lẽ, cho biết các lý do đồng tình hay không đồng tình. Trình bày một quan điểm – điều này sẽ đòi hỏi cả sự mô tả lẫn diễn giải. Ý kiến của bạn phải được hỗ trợ bằng những bằng chứng xác đáng được lựa chọn một cách cẩn thận.
Những giới hạn: Việc học ở trường Đại học. Lưu ý là bạn không bị giới hạn về thời gian hay nơi chốn. Bạn có thể giả định rằng giảng viên muốn bạn tập trung vào bối cảnh hiện tại của nước Úc. Tuy nhiên để chắc chắn bạn cũng có thể đưa câu hỏi này lên diễn đàn. Số từ (không được chỉ ra ở đây) tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc bạn sẽ viết bao nhiêu. Ví dụ, 1500 từ sẽ giới hạn số từ mà bạn phải viết rất nhiều. 5000 từ sẽ cho bạn nhiều không gian hơn để thảo luận về câu hỏi từ một số góc độ. Cụm từ UAI cũng là một hướng dẫn thêm cho bạn bởi nó là một thuật ngữ mới được sử dụng gần đây để thay thế cho thuật ngữ TER.
Những từ chỉ rõ nhiệm vụ phổ biến | Mô tả |
Phân tích | Tìm những ý chính và chỉ ra chúng có liên hệ với nhau như thế nào, chức năng của chúng là gì và tại sao chúng quan trọng |
Bình luận | Thảo luận, phê bình, hoặc diễn giải ý nghĩa |
So sánh | Lưu ý những điểm tương tự hoặc khác nhau mà bạn được yêu cầu so sánh |
Đối chiếu | So sánh bằng việc chỉ ranhững khác biệt |
Phê bình | Nhận định về ưu điểm của các lý thuyết và những ý kiến hoặc về sự thật của những nhận định này. Chứng minh những điều này bằng việc thảo luận về các bằng chứng. Không cần thiết phải công kích. Thảo luận những ưu điểm và khuyết điểm và kèm theo phân tích riêng của bạn |
Xác định | Cho biết nghĩa chính thức của một từ, thuật ngữ hay cụm từ. |
Mô tả | Giải thích cụ thể, viết hoặc dùng hình ảnh theo một cách thức logic. Nhấn mạnhnhữngđiểmquantrọng. Không cần phải giải thích hoặc diễn dịch thêm |
Vẽ sơ đồ | Xây dựng một sơ đồ, biểu đồ hoặc bản vẽ có chú thích và kèm theo giải thích ngắn gọn |
Thảo luận | Điều tra và thẩm định bằng những lý lẽ, cho biết lý do đồng tình hoặc không đồng tình. Trình bày quan điểm – điều này đòi hỏi cả việc mô tả lẫn diễn giải. Ý kiến của bạn được hỗ trợ bởi những bằng chứng xác được được lựa chọn một cách cẩn thận. |
Liệt kê | Liệt kê nhữngýchínhsửdụng các chấm đầu dòng |
Đánh giá | Đánh giá về giá trị của một yếu tố nào đó. Cho biết ý kiến của những nhà chuyên môn hàng đầu hay tầm quan trọng của một khái niệm. Bao hàm cả những ưu điểm và khuyết điểm. Bạn cũng có thể chỉ ra quan điểm của mình. |
Giải thích | Làm sáng tỏ các sự kiện. Bạn nên đặt trọng tâm chính vào câu hỏi “tại sao” và “như thế nào” với mục đích làm rõ lý do, nguyên nhân và hiệu quả của các sự kiện. Không nên chỉ đơn thuần mô tả hoặc tóm tắt |
Minh họa | Sử dụng một con số, biểu đồ hay ví dụ (so sánh hoặc loại suy) để giải thích hoặc làm rõ |
Diễn giải | Khám phá và làm rõ nghĩa sử dụng các ví dụ và nhận xét chủ quan |
Chứng minh | Cho một nhận định về việc tại sao bạn nghĩ như vậy. Đưa ra những lý do cho nhận định hoặc kết luận của bạn. |
Lên danh sách | Cho một danh sách chính xác bao gồm các từ, câu hoặc nhận định được đánh số. Giống như liệt kê. |
Tóm tắt | Cho một tóm tắt chung/mô tả bao gồm những ý chính hỗ trợ bởi những ý nhỏ hơn. Bỏ qua những chi tiết nhỏ |
Chứng tỏ | Chỉ ra bằng lý lẽ hoặc logic rằng điều nào đó là đúng. Khẳng định bằng việc đánh giá hoặc trích dẫn những bằng chứng thực nghiệm hoặc đưa ra những lý lẽ logic. |
Liên hệ | Chỉ ra những sự liên kết và chỉ ra rằng một liên kết có thể dẫn đến, hoặc giống những liên kết khác như thế nào |
Phê bình | Thẩm định một chủ đề nào đó một cách có phê phán. Phân tích và nhận xét ngắn gọn trong những điểm chính theo một trình tự rõ ràng, nhất định |
Phát biểu | Thể hiện những ý chính bằng một cách thức ngắn gọn và theo lối tường thuật. Bỏ qua những chi tiết hoặc ví dụ. |
Tóm tắt | Miêu tả ngắn gọn nhữngđiểm chính. Bỏ qua các chi tiết và ví dụ. |
Bước 2. Nghiên cứu
Sau khi bạn đã phân tích và hiểu được câu hỏi nằm trong bài tập, bạn có thể lên kế hoạch bằng cách động não, có nghĩa là, ghi lại những ý tưởng mà bạn có. Việc phân tích khái niệm sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn động não. Một kế hoạch sơ khởi sẽ hỗ trợ bạn trong việc đọc và ghi lại những điểm chính. Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải nghiên cứu câu hỏi cụ thể hơn trước khi bạn có thể đi xa hơn.
Bạn được yêu cầu phải đọc nhiều hơn. Một số tóm tắt của môn học sẽ cho bạn biết bạn phải đọc bao nhiêu và đọc cái gì. Yêu cầu đọc cũng khác nhau đối với các chủ đề và môn học khác nhau. Một số chủ đề có thể yêu cầu phân tích một số bài viết đã đọc thật cụ thể, nhưng hiếm khi chỉ yêu cầu bạn đọc một hay hai cuốn sách về một chủ đề cụ thể nào đó. Nguyên tắc cho các môn học trong năm nhất, trong học kỳ đầu tiên là liệt kê ít nhất năm tài liệu tham khảo trong tiểu luận. Một nguyên tắc khác nữa là hãy chọn những tài liệu tham khảo nào được công bố trong từ 5 đến 10 năm trở lại đây. Một số tiểu luận yêu cầu phải sử dụng nhiều nguồn tham khảo khác nhau, chẳng hạn như sách, các bài báo khoa học, tin tức, hay/và các websites. Một nguyên tắc khác nữa dành cho sinh viên năm nhất là hãy bắt đầu với việc đọc những cuốn sách mà giúp bạn có được kiến thức tổng quan trước, sau đó đọc đến những phần cụ thể hơn.
Những bạn sinh viên mới có thể thấy rằng việc tìm tài liệu trong thư viện và cơ sở dữ liệu là một công việc khá mệt mỏi. Thường các thư viện sẽ cung cấp một số hướng dẫn để giúp bạn. Ngoài ra, hãy liên hệ một thủ thư và nhờ tư vấn. Đừng mất thời gian vật lộn với nó và cuối cùng chẳng đi đến đâu.
Sau khi tìm được thông tin mà bạn cần, nhiệm vụ của bạn là ghi chú lại một cách hiệu quả. Đừng sao chép y nguyên những phần cần thiết, hãy cố gắng viết bằng chính từ ngữ của bạn, và hãy nhớ luôn luôn ghi lại tài liệu đã tham khảo kèm số trang. Bạn sẽ cần đến những thông tin này nếu bạn quyết định sử dụng nó trong tiểu luận của mình.
Một số sinh viên gặp khó khăn ở bước nghiên cứu này. Họ tìm cách nghiên cứu thật nhiều và cuối cùng thấy rằng mình có quá nhiều ghi chú làm cho họ dễ bị nhầm lẫn và nản lòng. Nếu bạn ở trong số đó, hãy bắt đầu ngay việc lên kế hoạch sau đó chuyển qua bước tiếp theo. Khi bạn đã có cái gì đó trên giấy bạn sẽ cảm thấy mình kiểm soát được công việc, có thể nhìn thấy được những tiến bộ trong nỗ lực của mình, và trở nên tập trung và làm việc có hiệu quả hơn.
Bước 3. Lên kế hoạch
Bây giờ bạn đã sẵn sàng với việc lên kế hoạch cho tiểu luận của mình. Nếu bạn đã có kế hoạch sơ khởi, hãy xem lại và thêm những điểm mới hoặc bỏ bớt đi những gì mà bạn đã tìm thấy hoặc nghĩ là không phù hợp.
Tuy nhiên lên kế hoạch không có nghĩa là thu thập thông tin một cách ngẫu nhiên để hỗ trợ cho những lý lẽ của bạn. Lên kế hoạch liên quan đến việc nhóm hoặc phân loại thông tin thành một loạt các quan điểm và xác định một trình tự thật khoa học để trình bày những quan điểm của bạn. Bạn hãy hướng vào việc xây dựng một cấu trúc bài luận khoa học, có tính liền mạch và rõ ràng. Những bước sau sẽ giúp bạn làm điều đó:
– Xác định ý chính: Có phải bạn bắt đầu nghiên cứu với một ý chính? Có phải bây giờ ý chính đó đã thay đổi khi bạn nghiên cứu sâu hơn rồi không? Hay bạn đã đang tìm ra một quan điểm chủ đạo để nghiên cứu? Cái gì là luận điểm hay quan điểm chủ đạo của bạn? Nếu bạn không có quan điểm trước khi bắt đầu nghiên cứu tài liệu thì hãy bạn hãy cố gắng có nó để giúp cho bạn trả lời câu hỏi. Hãy nhớ rằng, ý chính sẽ giúp bạn cấu trúc bài viết của mình.
– Quyết định những điểm nào mà bạn cần để hỗ trợ cho quan điểm hay ý chính của bạn.
– Kiểm tra để chắc rằng đây là một nhóm những ý tưởng hoặc các luận điểm khoa học.
– Xác định trình tự trình bày. Trình tự trình bày có thể được xác định bởi mức độ quan trọng, thời gian, câu hỏi, mức độ ưu tiên về địa lý hay cá nhân, nhưng bạn nên tuân theo trình tự mà bạn đã chỉ ra trong phần giới thiệu của mình.
– Ghi lại những điểm trái ngược với quan điểm của bạn.
– Hãy bỏ đi những điểm nào mà bạn nghĩ là không phù hợp.
Bảng dưới đây là ví dụ cho thấy bạn sử dụng các tiêu đề như thế nào. Dưới các tiêu đề bạn hãy ghi kèm theo các ý nhỏ. Bây giờ hãy liệt kê các ý này theo một trình tự mà bạn sẽ trình bày đúng như trong bài tiểu luận của bạn. Có phải trình tự này thích hợp không?
Ví dụ: quá trình nghiên cứu sẽ dẫn bạn đến những quan điểm dưới đây. Kế hoạch cho bài luận có thể là như thế này:
Cấu trúc tiểu luận | Số lượng các đoạn văn | Nội dung |
Giới thiệu | 1 | · Hướng người đọc vào chủ đề chung · Nhận diện mục tiêu hoặc mục đích của bài tiểu luận · Tóm tắt phạm vi, những điểm cần giải quyết trong phần thân/nội dung của bài luận. · Ý chính/quan điểm chung: UAI là một dự báo tin cậy cho thành công của trường đại học |
Phần thân/Nội dung | Có thể từ 6 – 8 đoạn trong một bài luận đơn giản | · Thành công là gì? (Thành tựu học thuật) · Cần cái gìđể có được một UAI tốt? · UAI có liên hệ đến thành công về mặt học thuật như thế nào? · Các nghiên cứu cho biết gì về mối liên hệ giữa UAI và thành công? Các đề tài nghiên cứu? · Có ngoại lệ nào không? Có những quan điểm trái ngược nhưng hợp lý không? |
Kết luận | 1 | · Tóm tắt các điểm chính · Củng cố lại quan điểm/ý chính |
Bước 4. Viết
- Tham khảo phần cấu trúc bài tiểu luận
- Tuân theo kế hoạch của bạn
- Hãy sử dụng các đề mục nếu bạn thấy có ích. Thỉnh thoảng chuyển một đề mục thành câu hỏi trong bản nháp bài luận có thể giúp bạn giữ được những quan điểm của mình. Hãy bỏ những phần tự hỏi này đi trong bài tiểu luận chính thức của bạn nếu giáo viên yêu cầu một hình thức viết luận truyền thống.
- Hãy chú ý khi bạn thay đổi những thuật ngữ sử dụng trong câu hỏi. Ví dụ, nếu trong câu hỏi giáo viên yêu cầu viết về “sự thành công” và bạn thay thế cụm từ này bằng “thành tựu” thì ý nghĩa có thể sẽ khác đi.
- Nhớ để ý những câu chủ đề. Hãy làm cho người đọc nắm rõ quan điểm mà bạn đưa ra trong từng đoạn và lý do tại sao. Bạn biết điều mà bạn viết, nhưng bạn có nói điều ấy cho người đọc biết không?
- Làm rõ mối liên hệ của những quan điểm mà bạn đang trình bày đối với câu hỏi/luận văn của bạn.
- Đừng sử dụng cách xưng hô ở ngôi thứ nhất, ví dụ “tôi nghĩ rằng”, “tôi tin rằng”, “theo ý kiến của tôi” trừ phi bạn được phép hoặc được yêu cầu phải làm điều đó.
- Đừng sử dụng những cụm từ thông thường, ngôn ngữ không chính thức hoặc cách nói sáo rỗng ví dụ như: Ông A là con chim đầu đàn trong ngành văn hóa.
- Sử dụng những câu hoàn chỉnh để diễn đạt ý tưởng của bạn.
- Luôn luôn ghi rõ nguồn trích dẫn dù bạn chỉ trích dẫn ý tưởng của người khác bằng cách viết lại hoặc trích dẫn trực tiếp từ công trình của họ.
- Hãy nhớ rằng đây chỉ là bản nháp. Hãy quay lại một lần nữa và sửa lại các lỗi dù nhỏ nhặt của bạn.
Bước 5. Biên tập
Đây là bước cuối cùng trong quá trình viết một bài luận và là bước quan trọng. Nếu không biên tập kỹ thì điểm số của bạn có thể bị ảnh hưởng dù bạn đã làm việc rất tích cực. Hãy nhớ rằng, trình bày một cách chuyên nghiệp, rõ ràng và dễ hiểu trong việc viết luận là chìa khóa đưa đến thành công. Hãy dành cho bạn thời gian để hoàn chỉnh bước này. Nó có nghĩa là một sự khác biệt giữa điểm số đậu và rớt và điểm số đậu và đậu cao.
McLaren (1997) đề cập đến hai bước biên tập: Biên tập tổng thể và biên tập chi tiết. Biên tập chi tiết liên quan đến việc kiểm tra:
- Chính tả, ngữ pháp và dấu chấm câu. Luôn luôn sử dụng công cụ kiểm tra ngữ pháp và chính tả, nhưng hãy lưu ý rằng công cụ này có thể không giúp bạn tìm hết được các lỗi mắc phải.
- Trích dẫn các tài liệu tham khảo đúng và thống nhất. Việc trích dẫn tài liệu tham khảo không đồng nhất có thể làm người đọc nghĩ rằng bạn đã không cẩn thận trong việc trình bày. Biên tập tổng thể đề cập đến việc kiểm tra toàn bộ bài luận. Hãy kiểm tra sự thống nhất và logic. Nói cách khác, bài viết của bạn có nghĩa không? Người đọc có thấy dễ đọc hay không?
Hãy để bài luận của bạn sang một bên trong khoảng từ một đến hai ngày trước khi bạn biên tập. Nếu không bạn sẽ có khuynh hướng đọc những gì mà bạn mong đợi hơn là những gì mà bạn đã viết. Thông thường cách tốt nhất để biên tập công trình của bạn là đọc thật lớn hoặc đọc nó cho ai đó nghe. Đưa bài viết của bạn cho một ai đó đọc.
Cuối cùng, tham khảo tiêu chí chấm bài trong phần tóm tắt yêu cầu của môn học và bài đánh giá. Tham khảo hướng dẫn chung trong chủ đề “trình bày bài luận của bạn” trên website hướng dẫn các kỹ năng học thuật nếu bạn vẫn còn chưa rõ về cách thức làm thế nào để trình bày bài viết của bạn. Ít nhất bạn sẽ biết được những câu hỏi nào cần được làm rõ bởi giáo viên của bạn.
Cấu trúc cơ bản của một bài luận
1. Giới thiệu/mở đầu
Phần Giới thiệu (Mở đầu) bài tiểu luận là một phần quan trọng. Nó là phần đầu tiên mà người đọc sẽ đọc. Phần mở đầu nên
a. Dẫn dắt người đọc đến chủ đề chung
b. Nhận diện trọng tâm hay mục đích của bài luận.
c. Tóm tắt phạm vi, có nghĩa là, những điểm cần khai thác, lưu ý bắt kỳ sự giới hạn nào và
d. Kết thúc bằng việc nhận diện ý chủ đạo/quan điểm chính (thesis)
Phần giới thiệu/ mở đầu thường là một đoạn văn, mặc dù không phải lúc nào cũng vậy, đặc biệt với những bài luận dài. Một số sinh viên cũng xác định những thuật ngữ chính trong phần mở đầu. Một số bạn khác thì báo hiệu cho người đọc biết về ‘phạm vi’ mà những thuật ngữ này sẽ được xác định trong bài tiểu luận. Nếu đây là trường hợp, hãy làm điều này ở đoạn đầu tiên của phần thân/phần nội dung. Quyết định về việc xác định những thuật ngữ chính này có lẽ được hướng dẫn bởi độ dài của việc thảo luận về định nghĩa. Một định nghĩa đơn giản có thể được đưa vào phần mở đầu. Một định nghĩa kéo dài hơn có thể khiến người đọc mất tập trung và nên được đưa vào đoạn đầu tiên trong phần thân/phần nội dung của bài tiểu luận.
Yêu cầu 1 và 2 được xác định trong câu hỏi dành cho bài tiểu luận. Yêu cầu 3 được hướng dẫn bởi câu hỏi, nghiên cứu và chủ đề của bạn.
Yêu cầu 4 rất quan trọng. Nó xác định những cái gì mà bạn đã học, lý lẽ và quan điểm của bạn. Ý chủ đạo/quan điểm chung sẽ là kim chỉ nam cho bài tiểu luận của bạn. Ý chính/quan điểm chung là:
Ý chủ đạo/quan điểm chung (thesis) là một dòng luận điểm, hay lý lẽ của bạn. Bạn có thể đồng ý, không đồng ý hoặc có thể làm cho lý lẽ của bạn có chất lượng bằng cách nào đó để nó minh chứng cho một phần câu hỏi đặt ra.
Ví dụ, bạn có thể được hỏi để thảo luận về nhận định sau:
UAI (chỉ số sinh viên đậu vào trường đại học) là một chỉ báo tin cậy cho thành công tại trường đại học.
Một số sinh viên có thể cho rằng đúng như vậy. Những bạn khác có thể tranh luận rằng UAI là một chỉ số có ích nhưng không phải là một chỉ báo tin cậy. Một người có suy nghĩ thấu đáo có thể đặt ra những chất vấn đối với khái niệm thành công và lý luận rằng UAI liên hệ rất ít với sự thành công theo nghĩa rộng nhất của nó.
Nói cách khác, có thể có một số những ý chủ đạo hoặc quan điểm chung liên quan đến một câu hỏi. Điều quan trọng là bạn phải chứng minh quan điểm của mình với những bằng chứng dựa trên nghiên cứu của bạn. Ý chủ đạo/quan điểm chung của bạn là sự thể hiện những gì mà bạn đã học.
Những câu thể hiện ý chủ đao/quan điểm chung (thesis statements) thường xuất phát từ sự xem xét nhiều quan điểm trong nghiên cứu của bạn. Những câu thể hiện này có thể được phát triển ở bất kỳ một điểm nào trong quá trình nghiên cứu, lên kế hoạch và viết bài tiểu luận của bạn. Nếu bạn xác định một ý chủ đạo/quan điểm chung trước khi bắt đầu nghiên cứu, hãy cẩn thận lưu ý rằng bạn vẫn còn đang trong giai đoạn ‘mở’ để tiếp nhận rất nhiều quan điểm khác nhau mà bạn sắp sửa đọc. Có lẽ hầu hết các sinh viên đều phát triển những câu thể hiện ý chủ đạo/quan điểm chung vào cuối giai đoạn nghiên cứu của mình.
Câu thể hiện ý chủ đạo/quan điểm chung (thesis statement) và câu chủ đề (topic sentence – câu mở đầu của từng đoạn) sẽ cung cấp một khung sườn cho bài tiểu luận. Đối với người viết bài này, câu thể hiện ý chủ đạo/quan điểm chung:
- Có vai trò như một công cụ hoạch định.
- Giúp tác giả xác định được trọng tâm thực của bài viết và làm rõ mối quan hệ giữa các ý tưởng.
- Trở thành một ‘cái móc’ mà người đọc có thể ‘treo’ những ý nhỏ hơn hoặc những câu chủ đề cung cấp các bằng chứng để hỗ trợ cho các lý lẽ.
- Dự đoán những câu hỏi liên quan đến chủ đề và cung cấp sợi chỉ kết nối các mảnh thông tin.
Ý chủ đạo/quan điểm chung là một nh, không phải là một câu hỏi và ý này nằm trong phần giới thiệu.
2. Phần thân/nội dung
Phần nội dung của tiểu luận là nơi mà bạn sẽ phát triển bài viết của mình. Phần này diễn ra trong phạm vi nhiều đoạn văn và mỗi đoạn có sự liên kết trôi chảy với đoạn tiếp theo. Vì vậy
- Việc sử dụng tốt những câu chủ đề ở đầu các đoạn và
- Cấu trúc đoạn văn chính xác là quan trọng.
Câu đầu tiên của mỗi đoạn, thường được nhắc đến như là câu chủ đề, giới thiệu về đoạn văn bằng cách chỉ ra và tóm tắt những điểm chính trong đoạn văn. Những câu chủ đề thường bao gồm những tín hiệu chuyển đoạn nhằm giúp tạo ra sự chuyển đổi một cách trơn tru từ đoạn văn này sang đoạn kế tiếp. Câu đầu tiên này nên chuyển tải đến người đọc quan điểm mà bạn đang muốn làm rõ và đoạn văn này có liên hệ đến câu hỏi như thế nào. Thực chất, nếu người đọc lướt qua những câu chủ đề, họ nên biết được một phác họa tổng thể về toàn bộ bài luận. Bức phác họa này sẽ cho thấy sự tiến triển logic của những quan điểm mà bạn đang làm rõ. Sự thiếu vắng những câu chủ đề sẽ làm cho người đọc tự hỏi là bạn đang cố gắng diễn đạt điều gì và tại sao lại như vậy, cuối cùng sẽ làm cho người đọc cảm thấy hoang mang.
Việc cắm mốc chỉ đường không chỉ giới hạn đối với những câu chủ đề. Việc cắm mốc trong từng đoạn văn cũng sẽ giúp hỗ trợ người đọc. Ví dụ sau đây sẽ minh họa tính hữu dụng của những công cụ chỉ đường này (phần in đậm)
Cuối cùng, cũng như tất cả những mô hình học tập khác, quy trình dung nạp thông tin cũng có những giới hạn. Chẳng hạn, mô hình này cho thấy rằng việc suy nghĩ và lĩnh hội diễn ra trong một hình thức tiến triển mang tính tuyến tính, trong khi chúng ta biết rằng việc suy nghĩ và lĩnh hội phức tạp hơn quá trình này. Hơn nữa, mô hình này không giải thích được động lực, những cảm xúc và sự tương tác về mặt xã hội như là những nhân tố tác động đến quá trình học hỏi. Dù sao đi nữa, mô hình này đã cho các giáo viên nhiều điểm xuất phát để xem xét liệu thông tin có thể được cấu trúc như thế nào vào quá trình này để tạo điều kiện thuận lợi cho việc học.
(Ref: The University of New England http://www.une.edu.au/tlc/alo/paragraph7.htm) Những đoạn văn hiệu quả sẽ có ba tính chất quan trọng
Tính thống nhất: khi chúng tập trung vào một ý chính
- Thể hiện sự phát triển: diễn ra trong các ý tưởng được tỉ mỉ hóa trong một đoạn văn. Sự tỉ mỉ này thường bao gồm những bằng chứng mà bạn phải thu thập từ nghiên cứu của mình để hỗ trợ cho quan điểm mà bạn đang làm rõ trong đoạn văn và
- Tính chặt chẽ: khi tất cả các thông tin trong đoạn văn có liên hệ và vươn tới những luận điểm mà bạn đang muốn làm rõ.
Thêm vào đó một câu chủ đề và những câu bổ trợ, minh chứng cho câu chủ đề, hay là tập hợp các câu trong một đoạn văn, thường đi kèm với một câu kết luận. Câu chủ đề giới thiệu về đoạn văn, và câu kết luận tóm tắt nó. Tuy nhiên, câu kết này không quá cần thiết. Điều quan trọng là sự chuyển từ một đoạn văn sang đoạn tiếp theo phải có tính logic và được đánh dấu bằng những tín hiệu chuyển đoạn.
3. Kết luận
Phần kết luận là một đoạn quan trọng trong tiểu luận của bạn. Nó thường là một đoạn dài và nên phản ánh lại những gì mà bạn đã nói là sẽ phân tích trong phần giới thiệu. Kết luận
- Tóm tắt những gì bạn đã nói trong tiểu luận
- Khẳng định lại ý chính của bạn.
Đừng giới thiệu thêm chủ đề hay ý mới. Hầu hết các sinh viên bắt đầu đoạn kết luận với một tín hiệu chuyển đoạn, chẳng hạn như “Kết luận lại” hay “Nói tóm lại”.
Tài liệu tham khảo
1. Cottrell, S. (2008). The study skills handbook (3rd ed.). Basingstoke: Palgrave Macmillan.
2. Crème, P. & Lea, M. R. (1997). Writing at university: a guide for students. Buckingham: Open University Press.
3. Germov, J. (2000). Get great marks for your essays (2nd ed.). Crow’s Nest, NSW: Allen & Unwin
4. Levin, P. (2004). Write great essays: Reading and essay writing for undergraduates and taught postgraduates.
5. Maidenhead: Open University Press.
6. McLaren, S. (1997). Easy writer. Glebe, NSW: Pascal Press Additional web resources
7. You can google for other sites by typing, for example, ‘essay writing’ as the search term, but try to ensure the sites you use are reliable sites.
8. The University of New England website http://www.une.edu.au/tlc/alo/index.htm
9. The University of New South Wales http://www.lc.unsw.edu.au/olib.html
10. http://owl.english.purdue.edu/handouts/general/gl_transition.html provides another good summary of transition signals. Stylistic variation will enhance your work.
11. The University of Toronto
12. Purdue University The University of South Australia
13. James Cook University