Bài viết số 5 lớp 9
Bài tập làm văn bài viết số 5 lớp 9 bao gồm các bài văn mẫu tuyển chọn hay và ngắn gọn nhất cho các đề : bài viết số 5 lớp 9 đề 1 – bài viết số 5 lớp 9 đề 2 – bài viết số 5 lớp 9 đề 3 – bài viết số 5 lớp 9 đề 4 – bài viết số 5 lớp 9 đề 5.
Bài viết số 5 lớp 9
Bài viết số 5 lớp 9 đề 1
Đề bài: Bác Hồ là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của em về Người.
Bài 1:
“Bác Hồ, Người là niềm tin thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Suốt đời, Bác hi sinh cho độc lập, tự do…”. Trên đây là câu hát tiêu biểu trong muôn ngàn câu hát, bài thơ ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Đất nước Việt Nam tự hào về Bác Hồ bởi Bác chính là sự kết tinh những tinh hoa truyền thống của bản sắc dân tộc. Nhân dân ta đã thấy ở Bác Hồ con người Việt Nam đẹp nhất và nhân dân thế giới gắn liền tên nước Việt Nam với tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việt Nam – Hồ Chí Minh.
Với vai trò của một lãnh tụ cách mạng, Bác đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình đối với dân, với nước. Bác là người sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam, cùng Đảng dẫn đường chỉ lối cho dân tộc vùng lên phá bỏ xích xiềng nô lệ thực dân, phong kiến, giành quyền sống tự do. Người chiến sĩ cộng sản lão thành Nguyễn Ái Quốc đã trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có chủ quyền độc lập thiêng liêng. Nếu so sánh sự nghiệp đấu tranh chống xâm lăng, bảo vệ Tổ quốc kéo dài suốt ba mươi năm của dân tộc ta là một con tàu giữa đại dương đầy bão tố thì Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thuyền trưởng tài ba, sáng suốt, đã đưa con tàu vượt qua trùng trùng sóng gió, cập bến vinh quang.
Chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954 và chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã tôn vinh dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất, tuy nhỏ bé mà đã đánh gục hai tên thực dân, đế quốc “khổng lồ” là Pháp và Mĩ. Việt Nam đã trở thành gương sáng cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới noi theo.
Sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ vĩ đại như non cao, biển rộng nhưng Bác lại sống một cuộc sống vô cùng giản dị và tuyệt vời trong sáng. Suốt cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân, Người dành hết cho nhân dân, cho Tổ quốc. Câu nói tâm huyết nếu rõ mục đích phấn đấu và lí tưởng cao cả của Bác Hồ đã làm rung động trái tim bao người: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành… Mục đích ấy, lí tưởng ấy là nguồn sức mạnh vô biên, thôi thúc Bác suy nghĩ, hành động và cống hiến cuộc đời mình cho dân, cho nước.
Nếp sống giản dị của Bác rất gần gũi với cuộc sống của nhân dân. Bữa ăn chỉ vài món cá kho, rau luộc, cà muối… Chỗ ở là căn nhà sàn bằng gỗ đơn sơ, xung quanh là vườn cây, ao cá. Quan niệm sống của Bác là: Mình vì mọi người, cho nên Bác lấy cống hiến làm niềm vui, làm hạnh phúc của bản thân. Kính phục và yêu mến Bác, nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi:.
Bác sống như trời đất của ta,
Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa.
Tự do cho mỗi đời nô lệ,
Sữa để em thơ, lụa tặng già.
Như đỉnh non cao tự giấu hình,
Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh.
Bác mong con cháu mau khôn lớn,
Tiếp bước cha anh, tiến kịp mình.
(Theo chân Bác)
Đức tính khiêm tốn, giản dị của Bác đã trở thành huyền thoại. Sau khi Bác mất, căn nhà sàn Bác ở mở rộng cửa đón đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đến thăm. Không ai là không xúc động trước những vật dụng gắn bó với Bác gần như suốt cuộc đời: chiếc máy chữ và chiếc đồng hồ cũ kĩ trên bàn làm việc, đôi dép lốp cao su mòn gót… Giường mây, chiếu cói đơn chăn gối. Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn…
Bác không bao giờ đòi hỏi điều kiện vật chất tối đa cho riêng mình. Ngược lại, Bác thanh thản, lạc quan trong cuộc sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư nhưng những gì Người để lại cho nhân dân, cho đất nước có thể sánh ngang với núi cao, biển rộng.
Nhận xét về Bác Hồ, nhà phê bình nghiên cứu văn học Quách Mạt Nhược của Trung Quốc viết: Hồ Chí Minh là một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Với trí tuệ kiệt xuất, Bác đã: Hai tay xây dựng một cơ đồ. Đó là sự nghiệp cách mạng vẻ vang, ghi dấu son trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vì yêu nước, thương dân cơ cực, lầm than trong vòng nô lệ của thực dân, phong kiến nên Bác đã rời Tổ quốc, ra đi tìm đường cứu nước.
Tình nhân ái bao la là cội nguồn tư tưởng, là sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Bác trên con đường cách mạng:
Bác ơi tim Bác mênh mông thế,
Ôm cả non sông, mọi kiếp người
(Theo chân Bác – Tố Hữu).
Từ trong sâu thẳm tâm hồn, mỗi công dân Việt Nam đều nhận thấy rằng:
Người là Cha, là Bác, là Anh. Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ.
(Tố Hữu).
Trước lúc đi xa vào cõi vĩnh hằng, Bác viết trong di chúc: Tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng… Sự ra đi của Bác là một tổn thất lớn lao không gì bù đắp được. Bác đã hóa thân vào sông núi, biển trời… của đất nước Việt Nam mà Người hằng yêu dấu.
Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân thế giới yêu mến và khâm phục, còn kẻ thù cũng phải nghiêng mình kính nể bởi Bác Hồ là hiện thân sinh động nhất của truyền thống anh hùng bất khuất chống ngoại xâm. Căm thù chiến tranh, yêu mến hòa bình, nỗ lực cống hiến cho một nền hòa bình, thịnh vượng của toàn nhân loại, những điều đó đã tạo nên sức cảm hóa, thuyết phục lớn lao của Bác. Bác Hồ đã được Hội đồng hòa bình thế giới phong cho danh hiệu cao quý là Chiến sĩ hòa bình, là Danh nhân văn hóa của nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại vinh quang cho đất nước Việt Nam dân tộc Việt Nam. Các thế hệ tiếp nối đã đi theo con đường cách mạng đúng đắn mà Bác đã dẫn đường chỉ lối, biến khát khao cháy bỏng của Người thành hiện thực: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh để sánh vai với các cường quốc khắp năm châu.
Bài 2:
Có một con người mà khi nhắc đến tên, những người Việt Nam đều vô cùng kính yêu và ngưỡng mộ, đó là Hồ Chí Minh: vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới.
Trước hết ta thấy Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Bác là người chiến sỹ tiên phong trên mặt trận cứu nước đầy gian khổ, lãnh đạo dân ta tới chiến thắng, khai sáng nền độc lập tự do ở đất nước Việt Nam. Người bôn ba khắp năm châu bốn bể tìm đường đi và tương lai cho đất nước, giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Người đã dẫn dắt dân tộc ta thoát khỏi đói nghèo, đi lên xây dựng chế độ xã hội tốt đẹp. Tư tưởng của Người có giá trị vô cùng to lớn đối với Cách Mạng Việt Nam, nhân dân Việt Nam. Người đã hy sinh cả cuộc đời vì nền độc lập tự do của dân tộc, Người yêu nước thương dân sâu sắc, bởi vậy triệu triệu người dân Việt Nam đều là con cháu của Người. Ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước nhưng cách đối xử của Bác đối với cá nhân từng người vô cùng thân mật và gần gũi:
“Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người.”
(Tố Hữu)
Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc Việt Nam lại có một vị lãnh tụ giản dị và gần gũi với mọi người như thế: Sống trong ngôi nhà sàn nhỏ, ăn những món ăn dân dã, mặc áo bà ba nâu và tư trang chỉ là một chiếc rương nhỏ và mấy bộ quần áo bạc màu… Có lẽ bởi vậy mà với người Việt Nam, Bác Hồ không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc mà còn là vị lãnh tụ vĩ đại được mọi người dân Việt Nam kính yêu và ngưỡng vọng.
Bác Hồ còn được biết đến ở cương vị một danh nhân văn hoá thế giới. Bác dã từng là chủ bút tờ báo “Người cùng khổ ” ở Pháp, đã từng viết “Bản án chế độ thực dân Pháp” gây tiếng vang lớn. Người còn là nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam với những tập truyện ký bằng tiếng Pháp, “Tuyên ngôn độc lập” và “Nhật ký trong tù” cùng rất nhiều những vần thơ khác nữa… Bác Hồ đã từng đi khắp các châu lục trên thế giới, thông thạo nhiều thứ tiếng, am hiểu nền văn hoá của nhiều dân tộc. Bác đã rèn giũa và tạo dựng cho mình một phong cách riêng, kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, thanh cao và giản dị, giữa tinh hoa văn hoá nhân loại và tinh hoa văn hoá Việt Nam.
Mặc dù Bác đã đi xa nhưng trong lòng mọi người dân Việt Nam Bác vẫn là người đẹp nhất:
Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.
Càng tìm hiểu về cuộc đời vĩ đại và cao đẹp của Bác, em càng kính yêu và tự hào về Bác hơn. Điều đó khơi dậy trong em mong muốn học tập, phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện để trở thành con người có ích cho xã hội. Bác là tinh hoa khí phách của dân tộc, cuộc đời của Bác là một tấm gương sáng. Bởi vậy mà chúng ta cần “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Bài viết số 5 lớp 9 đề 2
Đề bài: Nước ta có nhiều tấm gương vượt lên số phận, học tập thành công (như anh Nguyễn Ngọc Kí bị hỏng tay, dùng chân viết chữ; anh Hoa Xuân Tứ bị cụt tay, dùng vai viết chữ; anh Đỗ Trọng Khơi bị bại liệt đã tự học, trở thành nhà thơ; anh Trần Văn Thước bị tai nạn lao động, liệt toàn thân đã tự học, trở thành nhà văn,…). Lấy nhan đề “Những người không chịu thua số phận”, em hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của mình về những con người ấy.
Bài 1:
Cuộc sống không phải luôn mỉm cười với bất kỳ ai. Một danh nhân đã nói: “Không có số phận, chỉ có những quyết định của con người làm nên số phận mà thôi”. Thật vậy, trong cuộc sống có biết bao tấm gương vượt lên số phận như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, thương binh Nguyễn Trọng Hợp,… Họ đã vượt lên và chiến thắng số phận, khiến bao người phải cảm phục.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, có lẽ Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ bất hạnh nhất. Trên đường lên kinh ứng thí, nghe tin mẹ mất, ông chẳng màng mười năm đèn sách mà quay ngay về nhà để chịu tang mẹ. Cậu bé Nguyễn Đình Chiểu mất ba từ thuở bé, giờ đến tuổi trưởng thành mẹ lại ra đi. Do quá thương nhớ mẹ, Nguyễn Đình Chiểu đã khóc thật nhiều và sau khi trải qua một cơn bạo bệnh, đôi mắt ông trở nên mù lòa. Mẹ mất, gia cảnh sa sút. Thế là gia đình vốn có hôn ước với ông nay đã trở mặt, bội tín.
Cuộc đời ông rơi vào bế tắc với bao đau khổ, cùng cực. Đối với người khác, như vậy là quá đủ để chấm dứt cuộc đời hay sống buông thả, thờ ơ mặc dòng đời đẩy đưa. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu không như thế. Ông vẫn quay về quê nhà bốc thuốc chữa bệnh cho dân, lấy sức lấy tài của mình để mở lớp dạy học, đào tạo nhân tài cho đất nước. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, bằng lòng yêu nước nồng nàn, ông tích cực tham gia sáng tác những “vũ khí văn học” lợi hại để khích lệ tinh thần chiến đấu của nhân dân.
Thực dân Pháp đã nhiều lần mua chuộc Nguyễn Đình Chiểu bằng những hứa hẹn về việc chữa khỏi đôi mắt của ông và cho ông một cuộc sống giàu sang, sung sướng. Nhưng với ý chí kiên trung, bất khuất, ông đã không nghiêng mình trước những cám dỗ ấy. Thế nên, ông trở thành nhà thơ tiêu biểu của Nam Bộ và của cả nước ta thời bấy giờ. Với những nỗ lực của mình, Nguyễn Đình Chiểu đã chứng tỏ với mọi người rằng ông là người tàn chứ không phế.
Nguyễn Ngọc Ký, cái tên rất đỗi thân thuộc với nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam, đã trở thành biểu tượng của lòng quyết tâm và sự kiên trì. Cậu bé Ký bị bại liệt cả hai tay khi mới bốn tuổi. Đôi cánh tay ấy buông thõng như hai sợi dây đeo bên vai cậu. Không được may mắn như bao bạn khác, cậu bé chỉ dám đứng bên cửa sổ nghe lỏm cô giáo giảng bài. Cô giáo thương tình quá nên cho phép Ký vào lớp. Cậu bắt đầu những chuỗi ngày luyện tập gian khổ: luyện viết bằng chân. Có những lúc đôi chân co quắp lại, đau điếng vì bị chuột rút, những ngón chân sưng phồng lên nhưng vẫn phải kẹp chặt mẩu bút,… Tất cả những điều đó vẫn không làm cậu học trò nhỏ chùn bước. Cuối cùng, cậu đạt được giải Vở sạch chữ đẹp của trường, rồi của quận. Thật đáng nể! Nhờ chính đôi chân và lòng quyết tâm, cậu bé Ký năm xưa giờ đã vào được đại học và trở thành nhà giáo ưu tú. Không những thế, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký còn sáng tác những chín đầu sách văn học. Mỗi ngày sống và làm việc, thầy giáo Ký đã dùng đôi chân thay đôi tay với bao nhọc nhằn, gian khó, từng bước viết nên huyền thoại về cuộc đời mình.
Và còn nhiều nhiều nữa những tấm gương đẹp như thế. Họ bất hạnh vì bệnh tật, tai nạn hay bẩm sinh. Họ không có khả năng lao động chân tay hiệu quả như bao người khác. Không ít người trong số họ đã buông xuôi, tuyệt vọng. Quả thật, áp lực tâm lý đối với những người bị tật nguyền là rất lớn. Đó là những mặc cảm, tự ti về khiếm khuyết trên cơ thể mình, là những gánh nặng mà họ đem đến cho gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, những người vượt lên được số phận chỉ cho rằng những khiếm khuyết của mình khiến mình đặc biệt hơn những người khác nhưng không đáng kể. Bức tường mặc cảm không tài nào ngăn được họ hòa nhập với thế giới xung quanh như bao người bình thường khác. Họ phấn đấu, nỗ lực hết mình để chứng tỏ bản lĩnh bởi họ không muốn sống quỵ lụy, yếu đuối và phụ thuộc vào người khác. Từ gánh nặng của xã hội, họ gắng sức phấn đấu, trở thành những công dân có ích, xóa đi những khoảng cách, rào cản giữa người bình thường và người khuyết tật. Khó khăn đấy, vất vả đấy nhưng họ vẫn gắng hết mình chiến thắng số phận vì họ biết rằng: “Chúng ta chỉ thực sự thất bại khi chúng ta từ bỏ mọi cố gắng”. Những thành công mà họ đạt được không dễ dàng, mà ẩn chứa trong đó là bao mồ hôi, nước mắt, bao khó khăn, tủi cực,… Điều đó càng khiến chúng ta thêm khâm phục họ, những con người không chịu thua số phận.
Tấm gương sáng ngời của những mảnh đời bất hạnh đã giúp chúng ta soi lại chính mình. Cuộc sống đối với một số người là muôn vàn gian lao, thử thách. Ngược lại, đối với một số người khác, cuộc sống như tấm thảm nhung êm ái trải đầy hoa hồng. Chúng ta chính là những con người may mắn ấy. Chúng ta còn được sống giữa vòng tay ấm áp, yêu thương của gia đình. Hơn nữa, khác hẳn họ, chúng ta được sinh ra và lớn lên giữa thời bình, không thiếu thốn về kinh tế. Nhưng thật sự chúng ta đã biết quý trọng cuộc sống ấy chưa? Thật đáng tiếc nếu chúng ta sống quá an phận, tự để mình mờ nhạt và chìm vào quên lãng giữa cuộc sống xã hội hiện đại ngày nay. Có phải chúng ta vẫn học qua loa, đối phó mà không bận tâm rằng ngay lúc ấy có biết bao cô cậu bé đứng bên cửa sổ lớp học, thèm được nghe cô giáo giảng bài. Qua những tấm gương vượt qua số phận, chúng ta chợt cảm thấy mình quá bé nhỏ, tầm thường. Chúng ta học tập ở họ không chỉ ở lòng kiên trì, nhẫn nại, say mê học tập mà còn ở lối sống lạc quan, yêu đời.
Những tấm gương, những huyền thoại về những con người bất hạnh nhưng phi thường đã gieo trong tim ta niềm tin yêu cuộc sống. Lặng lẽ như nụ chồi từ bóng tối vươn ra ánh sáng, họ đã vượt lên chính mình để có một ngày mai tươi sáng hơn.
Bài 2:
Ngày xưa, quan niệm về sự an bài của số phận khá phổ biến trong xã hội. Dân gian cho rằng số phận mỗi người đều do “thiên định”. Giàu sang hay nghèo đói, thành công hay thất bại… không phải do cá nhân quyết định. Thuyết “thiên mệnh” ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của mọi người, cho nên trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du sau khi kể chuyện về cuộc đời đầy sóng gió của Thúy Kiều, cũng đã phải kết luận bằng những câu thơ chua xót và cam chịu:
Cho hay muôn sự tại trời!
Trời kia đã bắt làm người có nhân.
Bắt phong trần phải phong trần.
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Tuy nhiên, bên cạnh quan điểm tiêu cực đó vẫn có những quan niệm tích cực, lành mạnh, phản ánh sức sống tiềm tàng của nhân dân lao động như: Đức năng thắng số, Có chí thì nên… Thực tế cho thấy không ít người bằng ý chí và nghị lực phi thường đã chiến thắng số phận bất hạnh, trở thành gương sáng phấn đấu cho mọi người học tập.
Người thầy giáo đầu tiên ở Việt Nam soạn bài, chấm bài, viết văn bằng chân, đó là thầy Nguyễn Ngọc Kí, một tấm gương nghị lực phi thường về ý chí mạnh mẽ vượt lên số phận bất hạnh để trở thành một Nhà giáo ưu tú.
Vào thập kỉ 60, 70 của thế kỉ XX, Nguyễn Ngọc Kí đã trở thành cái tên nổi tiếng ở miền Bắc. Gương sáng Nguyễn Ngọc Kí được đưa vào sách giáo khoa để dạy đạo đức cho học sinh. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, bản thân lại bị liệt cả hai tay sau một cơn sốt kéo dài từ lúc còn nhỏ tuổi, Nguyễn Ngọc Kí rơi vào hoàn cảnh thật đáng thương. Ngày ngày, thấy bạn bè cùng lứa tuổi tung tăng cắp sách tới trường, Kí thèm lắm. Thấy con ham học, năm Kí lên sáu tuổi, bố mẹ dẫn cậu đến trường. Cô giáo thương Kí lắm nhưng đành lắc đầu. Không được học ở trường, Kí tự học ở nhà. Niềm khao khát được biết chữ đã khiến Nguyễn Ngọc Kí nghĩ ra nhiều cách để tập viết. Thoạt đầu, cậu viết bằng miệng, nhưng không thành công. Một lần tình cờ nhìn thấy đàn gà bới đất bằng chân, Nguyễn Ngọc Kí lóe lên ý nghĩ là có thể dùng chân để viết. Sau đó, Nguyễn Ngọc Kí đã kiên trì tập viết bằng chân.
Cô giáo đến thăm, mang cho Kí vài viên phấn. Thấy Kí quyết tâm, cô vui lòng nhận Kí vào lớp. Từ đó, manh chiếu gắn liền với đời học sinh của Kí. Kết quả, Nguyễn Ngọc Kí không những viết thành thạo mà còn viết rất đẹp và trở thành học sinh giỏi trong nhiều năm liền, hai lần được Bác Hồ tặng huy hiệu. Hết cấp 1, cấp 2, cấp 3, năm 1966, Nguyễn Ngọc Kí được tuyển thẳng vào khoa Văn trường Đại học Tổng hợp. Tốt nghiệp, Nguyễn Ngọc Kí về làng làm giáo viên với nhiều sáng tạo đặc biệt. Không thể dùng phấn để viết bảng nên thầy Kí chuẩn bị nhiều câu hỏi, câu đố xung quanh ý nghĩa bài giảng; viết những ý chính và đặc điểm nổi bật của tác phẩm vào tấm bìa lớn rồi dùng chân kéo sợi dây buộc vào ròng rọc để giới thiệu bài giảng. Năm 1983, thầy đoạt giải nhất cuộc thi giáo viên giỏi Văn của tỉnh Nam Định. Từ năm 1993 đến nay, thầy tham gia giảng dạy tại Trường bồi dưỡng Giáo dục quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.
Lúc còn ít tuổi, Nguyễn Ngọc Kí hai lần vinh dự được Bác Hồ tặng thưởng Huy hiệu của Người và gần đây, thầy đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú vì những đóng góp đáng kể cho ngành Giáo dục. Rõ ràng, từ một cậu bé bất hạnh, Nguyễn Ngọc Kí đã không ngừng phấn đấu vươn lên để trở thành người hữu ích. Học tập gương sáng của Nguyễn Ngọc Kí, Hoa Xuân Tứ cụt cả hai tay, đã buộc bút vào vai viết chữ. Đỗ Trọng Khơi bị bại liệt nhưng vẫn quyết tâm trở thành nhà thơ. Anh Trần Văn Thước sau khi bị tai nạn lao động, liệt toàn thân vẫn không ngừng tự học để trở thành nhà văn…
Trong những năm gần đây, nhiều tấm gương vượt lên số phận đã được giới thiệu rộng rãi trên báo chí, trên truyền hình khiến nhiều người xúc động và khâm phục. Anh Trường Sơn, nạn nhân của chất độc màu da cam có thân hình dị dạng, chỉ cao không đầy một mét vẫn trở thành sinh viên của hai trường cao đẳng và đại học. Bạn Trần Thị Thương, một nạn nhân chất độc màu da cam có chiều cao 50cm, ngày ngày phải nhờ mẹ hoặc bạn bế đi học, vậy mà vẫn học rất giỏi và nung nấu ước mơ trở thành một chuyên gia vi tính. Chị Hướng Dương bị tai nạn giao thông, phải cưa cụt cả hai chân nhưng không gục ngã trước số phận rủi ro mà vẫn sống rất lạc quan, đem niềm vui đến cho những trẻ em khiếm thị bằng thư viện sách nói do chị sáng lập ra.
Chị Trịnh Tiểu Hương từ một đứa trẻ bụi đời không biết cha mẹ là ai, suốt tuổi thơ và tuổi thiếu nữ phải sống lay lắt nơi gầm cầu, hè phố, trôi dạt từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, hết lên rừng lại xuống biển để kiếm sống qua ngày… Thấm thía nỗi khổ của trẻ em mồ côi, giờ đây, với trái tim đầy tình nhân ái, chị đã đem hết tâm nguyện của mình mở một cơ sở nuôi dạy hàng trăm trẻ em lang thang cơ nhỡ. Bằng tình thương và trách nhiệm của một người mẹ, chị lo cho các em được ăn mặc đầy đủ, được học chữ, học nghề. Các em yêu quý và kính trọng gọi chị là “mẹ Hương”. Chị coi đó là phần thưởng, là nguồn hạnh phúc lớn lao của đời mình. Mái ấm tình thương của chị giờ đây đã trở nên nổi tiếng, được nhiều tổ chức từ thiện trong và ngoài nước quan tâm giúp đỡ.
Xung quanh chúng ta còn rất nhiều, rất nhiều những tấm gương như thế. Chúng ta có thể học được những bài học thiết thực và bổ ích về ý chí, nghị lực, về khát vọng vươn lên mãnh liệt để chiến thắng số phận nghiệt ngã, chiến thắng hoàn cảnh khó khăn, khẳng định giá trị của bản thân trong xã hội. Đồng thời, những gương phấn đấu kiên cường, bền bỉ nhắc nhở chúng ta hãy suy ngẫm, soi chiếu lại mình và tự đặt ra câu hỏi: Mình đã sống ra sao? Đã làm gì có ích cho gia đình, cho mọi người? Những gương sáng ấy chứng minh hùng hồn cho câu nói nổi tiếng của nhà văn, nhà giáo Nguyễn Bá Học: Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi, e sông.
Bài viết số 5 lớp 9 đề 3
Đề bài: Việt Nam tuy điều kiện kinh tế hạn chế, cơ sở vật chất chưa phát triển, nhưng đã có nhiều học sinh đoạt huy chương vàng tại các cuộc thi quốc tế về toán, lí, ngoại ngữ,… Năm 2004, sinh viên Việt Nam lại đoạt giải vô địch cuộc thi Robocon châu Á tại Hàn Quốc. Hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của em về hiện tượng đó.
Bài 1:
Trên bản đồ thế giới Việt Nam chỉ có một vị trí rất khiêm tốn, nhưng trong các kỳ thi quốc tế, Việt Nam được biết đến như là quê hương của những người con ưu tú, biết vượt qua khó khăn để làm nên những điều kỳ diệu.
Trải qua hàng nghìn năm phong kiến và hàng trăm năm bắc thuộc, điều kiện kinh tế của Việt Nam hạn chế, cơ sở vật chất chưa phát triển vậy mà đã có nhiều học sinh đoạt huy chương vàng tại các cuộc thi quốc tế. Không mấy ai không nhớ lần đầu tiên tham dự thi toán quốc tế năm 1974, Việt Nam đã đoạt liền 4 huy chương vàng. Lần thi Olimpic Toán quốc tế tại Anh, Lê Bá Khánh Trình với số điểm tuyệt đối 40/40 đã được nữ hoàng Anh trao giải đặc biệt. Ngay cả trong lĩnh vực mới mẻ là chế tạo Rôbôcon, những chú rôbôt của nhóm FXR-sinh viên Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh đã xuất sắc vượt trên cả những đất nước tên tuổi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để mang về chiếc cúp vàng cho quê hương Việt Nam…
Những thành tích ấy không chỉ làm rạng danh đất Việt mà còn là sự khẳng định cho sức mạnh của trí tuệ Việt Nam. Tại sao một đất nước nhỏ bé nghèo nàn, lạc hậu như Việt Nam lại có thể sản sinh ra những con người ưu tú đến thế? Câu hỏi ấy không chỉ người Việt Nam mới biết rõ câu trả lời. Suốt chiều dài thăng trầm của lịch sử, lòng ham hiểu biết, ý chí học tập, tìm tòi, chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức luôn được nung nấu trong trái tim mỗi người Việt Nam.
Tự thuở xưa, bằng ánh sáng của những con đom đóm, Mạc Đĩnh Chi đã miệt mài học tập để trở thành lưỡng quốc trạng nguyên, Nguyễn Hiền nhờ tự học mà đoạt giải khôi nguyên khi mới 12 tuổi, Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh và biết bao người nữa đã làm nên truyền thống hiếu học của nước nhà… Họ đã trở thành tấm gương, thành nội lực tinh thần để học sinh – sinh viên Việt Nam cố gắng hết mình, cần cù say mê học tập.
Đất nước nghèo nàn, lạc hậu nên nếu các bạn nước khác cố gắng một thì học sinh – sinh viên Việt Nam phải cố gấp hai ba lần để bù đắp những thiếu hụt, thiệt thòi vể điều kiện học tập. Dường như chính sự nghèo nàn lạc hậu của đất nước đã hun đúc ý chí tìm tòi, sáng tạo của học sinh Việt Nam. Lòng yêu nước, nỗi khát khao quê hương xứ sở đẹp giàu, là sức mạnh to lớn giúp học sinh – sinh viên Việt Nam đạt tới những chân trời khoa học.
Những tấm huy chương vàng tại các cuộc thi quốc tế mà chúng ta có được không chỉ bởi sự nỗ lực của cá nhân mà còn nhờ sự quan tâm chăm sóc của gia đình, của thầy cô và nhất là sự chăm lo của Đảng, nhà nước đối với tài năng trẻ. Bởi lẽ tự ngàn xưa, người Việt Nam ta đã quan niệm “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Sự thành công của học sinh – sinh viên Việt Nam đã đem đến cho người Việt Nam và bản thân em lòng tin và niềm tự hào sâu sắc về trí tuệ Việt Nam, thôi thúc trong em khát vọng được chinh phục những chân trời tri thức.
Bài 2:
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Quyết tâm thực hiện tốt lời Bác dạy, ngày nay đất nước Việt Nam tuy điều kiện kinh tế hạn chế, cơ sở vật chất chưa phát triển, nhưng đã có nhiều học sinh đoạt huy chương vàng tại các cuộc thi quốc tế. Đó là những tấm gương tiêu biểu cho lòng say mê, cần cù học tập, năng động, sáng tạo và ý chí vượt lên hoàn cảnh để bước đến thành công.
Nhắc đến thành tích của đội tuyển Việt Nam khi tham dự các kỳ thi Toán Quốc tế, nhiều người hẳn vẫn chưa quên hình ảnh cậu học sinh Việt Nam nhỏ nhắn, người đã vinh dự được đích thân tổng thống nước Cộng hòa Ru-ma-ni trao huy chương vàng Toán quốc tế lần thứ 40 tổ chức tại Bu-ca-rét năm 1999. Đó là Lê Thái Hoàng, học sinh lớp 12A khối phổ thông chuyên Toán trường Đại học sư phạm Hà Nội. Tại cuộc thi này, Hoàng đã cùng đội tuyển Việt Nam vươn lên đứng hàng thứ hai trên thế giới. Nếu như Lê Thái Hoàng nổi tiếng với tấm huy chương vàng bộ môn Toán, thì Nguyễn Bích Hoàng Anh, sinh viên năm I ngành Công nghệ thông tin Đại học Khoa học tự nhiên, đã xuất sắc đem về cho đất nước tấm huy chương bạc Olympic Tin học quốc tế tại Ba Lan. Và gần đây nhất là sinh viên Đại học Bách Khoa Việt Nam đoạt giải vô địch cuộc thi Robocon châu Á tại Hàn Quốc 2004. Đó chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số những gương mặt học sinh, sinh viên Việt Nam tiêu biểu. Chúng ta được biết đến họ qua các phương tiện truyền thông và đều thật sự rất thán phục họ.
Thế nhưng tại sao họ có thể đạt được những kỳ tích vẻ vang như thế? Đó trước hết là nhờ lòng hăng say, miệt mài học tập. Thomas Edison đã từng nói: “Thiên tài là 1% cảm hứng cộng với 99% khổ luyện”. Nếu như bạn không cố gắng học tập, rèn luyện, trau dồi tri thức và đem áp dụng những kiến thức mới đó vào cuộc sống thì liệu bạn có thể nhớ nổi hàng ngàn, hàng vạn kiến thức đã được học hay không? Khi bạn gặp một vấn đề khó thì chớ nên đầu hàng, mà hãy tiếp tục nỗ lực trau dồi, học hỏi để tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Luôn có một tinh thần học tập cao thì bạn sẽ thành công. Đó chính là yếu tố đầu tiên và cũng là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một thiên tài. Ngoài ra, còn một phẩm chất quan trọng nữa cần phải có để học tốt là năng động, sáng tạo.
Khi ta giải quyết được một vấn đề, hầu hết chúng ta đều rất vui mừng. Ít ai còn nghĩ đến việc tìm ra một con đường ngắn hơn, thuận tiện hơn để đạt được mục tiêu đặt ra. Tìm ra những cách giải quyết mới vừa giúp chúng ta trau dồi và bổ sung vốn kiến thức sẵn có của mình, vừa giúp chúng ta có được những kinh nghiệm quý báu để giải quyết những khó khăn khác. Chính óc sáng tạo đã giúp con người Việt Nam tạo nên được những kỳ tích. Trong số những gương mặt tiêu biểu của sinh viên, học sinh Việt Nam đạt thành tích cao trong học tập, có không ít những người hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, hoặc bị khuyết tật. Nhưng họ đã xuất sắc vượt qua trở ngại to lớn đó để đem vinh quang về cho đất nước.
Một tấm gương tiêu biểu là bạn Lê Vũ Hoàng. Tuy sống trong một ngôi nhà lá dột nát, sáng cắt rau cho lợn ăn, chiều đánh bắt cá trầu, vừa chăm bà chăm em, vừa chăm mẹ nằm viện,… nhưng Hoàng vẫn đạt được giải Nhất trong cuôc thi “Đường lên đỉnh Olympia”. Ý chí và nghị lực kiên cường đã giúp những con người ấy vượt lên hoàn cảnh khó khăn của bản thân. Hơn nữa, sinh viên Việt Nam khi tiếp xúc với các cuộc thi quốc tế thật sự gặp nhiều bất lợi vì họ không có đủ điều kiện để học tập, thực hành nhiều như sinh viên nước ngoài, càng không được nhận một nền giáo dục dân chủ, hiện đại, nhưng họ đã vượt qua hạn chế ấy. Vậy mới biết, bằng ý chí, nghị lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, không đầu hàng số phận cũng là một yếu tố quan trọng để đạt được những thành tích cao. Nếu chỉ biết khoang tay đầu hàng trước những khó khăn thì đến bao giờ bản thân mới có thể tiến bộ.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa hiện nay, khi thế giới vẫn không ngừng thay đổi dù chỉ trong một giây, thì những gương mặt sinh viên, học sinh ưu tú, những tấm huy chương, thành tích cao thật sự là những phương tiện quý giá để đất nước Việt Nam từ một quốc gia lạc hậu vươn lên sánh ngang tầm với thế giới. Để thực hiện điều đó, trước hết, học sinh, sinh viên Việt Nam cần rèn luyện những phẩm chất đã nêu ở trên để vượt qua những giới hạn về vật chất, khắc phục những điểm yếu của bản thân để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh hơn.
Tóm lại, học sinh chúng ta cần học tập những tấm gương học sinh, sinh viên Việt Nam tiêu biểu để đạt được thành tích cao, học tập về những phẩm chất như kiên trì, say mê học tập, năng động, sáng tạo, nghị lực vượt lên khó khăn của họ nhằm đạt được thành tích cao trong học tập, góp phần thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới như lời Bác dạy.
Bài viết số 5 lớp 9 đề 4
Đề bài: Một hiện tượng khá phổ biến hiện nay là vứt rác ra đường hoặc những nơi công cộng. Ngồi bên hồ, dù là hồ đẹp nổi tiếng, người ta cũng tiện tay vứt rác xuống… Em hãy đặt một nhan đề gọi ra hiện tượng ấy và viết bài văn nêu suy nghĩ của mình.
Bài 1:
Ngày nay, trên thế giới, môi trường là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Ở các quốc gia tiên tiến, vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường được quan tâm thường xuyên nên việc xả rác và nước thải bừa bãi hầu như không còn nữa. Người dân được giáo dục rất kỹ về ý thức bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – đẹp. Đáng buồn thay nước ta có một hiện tượng phổ biến là vứt rác ra đường hoặc những nơi công cộng, không giữ gìn vệ sinh đường phố. Việc làm đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà cụ thể ở đây là gây ô nhiễm môi trường.
Hiện tượng không giữ gìn vệ sinh đường phố có rất nhiều biểu hiện nhưng phổ biến nhất là vứt rác ra đường hoặc nơi công cộng. Ăn xong một que kem hay một chiếc kẹo, người ta vứt que, vứt giấy xuống đất. Uống xong một lon nước ngọt hay một chai nước suối, vứt lon, vứt chai ngay tại chỗ vừa ngồi mặc dù thùng rác để cách đó rất gần. Tuy vậy, họ vẫn thản nhiên, vô tư không có gì áy náy. Thậm chí khi ăn xong một tép kẹo cao su, họ cũng không mang đến thùng rác mà vo tròn rồi trét lên ghế đá và cứ thế bỏ đi chỗ khác. Không chỉ với những nơi công cộng, ở một số khu phố, con đường có đặt bảng khu phố văn hóa nhưng cỏ mọc um tùm tràn lan, rác rưởi ngập đầy khắp lối đi, mùi hôi khó chịu bốc lên suốt ngày. Một biểu hiện phổ biến khác là một số tài xế chở gạch, đá phế thải ở các công trình xây dựng đem đổ khắp nơi và cả trên dưới phố. Con người ta còn vô ý thức đến mức mang xác súc vật chết như chó, mèo, chuột, gia cầm như gà, vịt ném xuống hồ, ao, sông rạch và ra đường.
Ở một số hàng, quán bán trên vỉa hè người ta đổ tất cả đồ ăn dư thừa, nước rửa chén, bát xuống cống khiến cho nước thải bị ứ đọng, cống bị tắt nghẽn. Đáng sợ hơn, ở một số dòng sông những người sống trong những con đò đậu ngay trên sông có những việc làm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Họ vô tư xả rác trên đò xuống sông, đi tiêu đi tiểu xuống sông rồi ngay lập tức lại lấy nước dưới sông lên tắm gội, giặt giũ thậm chí là nấu nướng. Thế nhưng hiện tượng xả rác đó còn lan sâu vào một tầng lớp trí thức trẻ ngày nay. Biểu hiện cụ thể ở một số sinh viên làm gia sư. Họ thường đứng ở các ngã ba, ngã tư đường để phát tờ rơi quảng cáo nhóm gia sư của mình một cách bừa bãi khiến khắp đường phố rải rác đầy những tờ rơi.
Những việc làm trên tuy nhỏ nhưng lại gây tác hại vô cùng to lớn. Phải chăng dọn dẹp sạch sẽ nhà mình từ phòng khách đến nhà ăn, từ trong nhà ra ngoài vườn là tốt? Còn việc vứt rác bừa bãi, bạ đâu quăng đó cả những nơi công cộng là không cần thiết, không quan tâm không ảnh hưởng gì đến mình, đến gia đình mình. Điều này, mỗi chúng ta cần suy nghĩ lại. Bạn nghĩ sao khi một thành phố văn minh, giàu đẹp lại ngập tràn trong biển rác? Nó thể hiện hành vi của người vô văn hóa, vô ý thức, gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Người ta vô tư vứt rác xuống sông nhưng họ có nghĩ rằng bao nhiêu người sử dụng nguồn nước này để ăn uống, tắm giặt? Nước không sạch, con người sử dụng, ăn uống, sức khỏe sẽ ra sao? Không có sức khỏe tốt thì lực lượng con người sẽ cống hiến như thế nào cho đất nước khi bước vào thiên niên kỉ mới với nền kinh tế công nghiệp, hiện đại. Không ở đâu xa, ngay trong thành phố của chúng ta – nơi con sông Đồng Nai chảy qua phải chịu bao rác rưởi dơ bẩn.
Công viên ven bờ sông là nơi sinh hoạt thể dục thể thao của các cụ ông, cụ bà và cả các thanh thiếu niên trong khu vực. Mọi người đến để thư giãn, hóng mát nhưng nhìn xuống dòng nước ven bờ, nước bẩn theo cống vẫn từng ngày từng giờ ung dung đổ xuống, bao ni lông bị ném xuống trôi bồng bềnh gây phản cảm, mất mĩ quan cả dòng sông. Còn đối với những ghế đá vô tội vạ bị những người vô ý thức trét bã kẹo cao su, khi có một người nào đó vô tình ngồi lên thì việc gì sẽ xảy ra? Bã kẹo sẽ dính chặt vào quần áo của người đó không những làm bẩn quần áo mà còn gây sự khó chịu. Và sẽ ra sao khi người ngồi trên ghế đá kia có một cuộc hẹn quan trọng? Bạn thấy đó, chỉ cần có một hành động vô ý thức đó mà gây ảnh hưởng đến công việc của người khác.
Ngày nay, đi đến đâu cũng có nhiều người tự hào khoe khu phố mình đang sống là một khu phố văn hóa. Thế nhưng, được đặt bảng khu phố văn hóa mà rác rưởi vương vãi khắp nơi gây phản cảm cho người đi đường. Như vậy họ chẳng khác gì tự mình mỉa mai mình, tự đánh mất thể diện mình và cả khu phố. Cỏ mọc um tùm là điều kiện thuận lợi cho sinh sôi nảy nở của loài muỗi. Từ đó phát sinh dịch bệnh sốt xuất huyết – căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng của con người.
Và việc một số tài xế đổ gạch đá phế thải ra ngoài đường thì sao? Một con đường đang sạch đẹp bỗng dưng phải hứng chịu vô số đất đá. Chúng vương vãi khắp nơi gây ùn tắc giao thông. Và cũng trên những con đường ấy đã xảy ra bao vụ tai nạn giao thông gây đau thương cho nhiều gia đình. Không chỉ có gạch đá bị thải ra đường mà còn có cả xác súc vật nữa. Như đã kể ở trên, xác súc vật bị quăng bừa bãi khắp nơi. Thịt của chúng dần phân hủy kèm theo là một mùi hôi vô cùng khó chịu đối với những người vô tình đi ngang qua. Tệ hại hơn, đứng trước nguy cơ bùng nổ dịch cúm gia cầm H5N1, một số người dân khi thấy gà vịt chết hàng loạt đã không báo cho cơ quan thú y xử lý mà họ đã tự ý ném xác chúng xuống hồ, ao. Đó là một việc làm vô cùng nguy hiểm vì nếu lỡ con gà hay vịt ấy mang trong mình mầm bệnh thì dịch bệnh sẽ phát tán trên cả khu vực rộng lớn do nước từ các ao, hồ này sẽ chảy ra sông – nguồn nước sinh hoạt của rất nhiều gia đình. Các quán ăn trên vỉa hè cũng có những hành vi xả rác nghiêm trọng. Những đồ ăn dư thừa hằng ngày vẫn đổ vào các cống thoát nước. Chúng khiến cho cống không thoát được nước. Vào những ngày mưa lớn, do hệ thống cống thoát nước không hoạt động hiệu quả, nước tràn khắp đường phố, cản trở giao thông. Nhiều lúc nước bẩn tràn ngược vào nhà. Nhìn cảnh tượng ấy, em thật bức xúc, xót xa cho một vẻ mĩ quan bị đánh mất.
Thật đáng nguy hiểm khi trẻ em ngày nay lại sa vào hiện tượng vứt rác bừa bãi rất nhiều. Cứ sau giờ chơi là mỗi lớp học lại đầy những vỏ kẹo, vỏ bánh. Điều đó làm phiền lòng rất nhiều thầy cô. Làm sao các thầy, các cô có thể toàn tâm dạy học trong một phòng học toàn rác bẩn như vậy. Và thế là việc học tạm gián đoạn để thu gom rác, dọn vệ sinh lớp. Nếu việc này vẫn xảy ra thường xuyên thì cả lớp sẽ mất bao nhiêu thời gian học tập và thậm chí có thể bị trừ điểm thi đua của lớp. Thật tai hại làm sao!
Ngày hôm nay, vị trí nước ta đã khác đi rất nhiều. Nước ta đã là một thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO. Và sau khi tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh APEC, con người và đất nước Việt Nam ta ngày càng được nhiều người biết đến. Lượng khách nước ngoài đến thăm nước ta ngày càng đông. Mọi người được giới thiệu về nước Việt Nam như là một nước thanh bình, thân thiện. Nhưng khi nhìn thấy những sự việc trên thì liệu họ còn cái nhìn thân thiện về nước ta chăng? Hay đó là một cách nhìn khác, cái nhìn phiến diện về cách sống của người Việt Nam. Có lần em đi trên đường và nhìn thấy một đoàn khách du lịch nước ngoài. Khi đi ngang qua một ngôi trường, nhìn thấy những tờ quảng cáo của các nhóm gia sư bị ném vương vãi đầy rẫy trước cổng trường, họ lắc đầu và đi về phía khác. Vừa đi, những người khách vừa trò chuyện. Và từ xa, em thoáng nghe được một câu nói bằng tiếng Anh của một trong số họ: “Người Việt Nam là thế sao?” Chỉ là một lời nói nhưng đối với em sao thật nặng nề, thật xấu hổ. Lúc đó em đã nghĩ rằng phải chi những tờ bướm kia không được phát một cách bừa bãi, cổng trường không còn rác thì chắc những vị khách trên đã không nói như vậy.
Chưa bao giờ, ô nhiễm môi trường đang thực sự là vấn đề lớn của cả nhân loại như ngày nay. Những biến đổi khí hậu và hậu quả khủng khiếp của nó không còn là dự báo nữa mà thành hiện thực ở khắp nơi. Hiện tượng toàn cầu hóa El Nino và trái đất nóng dần lên do hiệu ứng nhà kính vẫn diễn ra từng ngày, từng giờ. Điều đáng suy nghĩ là ở chỗ phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả những hiện tượng trên đều có nguyên nhân từ con người, từ những hành động bừa bãi mà trong đó có cả việc xả rác và khí thải bừa bãi. Nói cách khác, những tác hại của việc xả rác mà em đã nêu ra như mất vệ sinh, thể hiện hành vi vô văn hóa, gây mất mĩ quan lan truyền dịch bệnh, tốn kém tiền của trong việc thu gom và xử lý, khiến cho người nước ngoài có ấn tượng không tốt … đều có nguyên nhân bắt nguồn từ con người. Đầu tiên là do những thói quen xấu lười biếng và lối sống lạc hậu ích kỷ chĩ nghĩ đến quyền lợi cá nhân của một số người. Họ sống theo kiểu
“Của mình thì giữ bo bo
Của người thì thả cho bò nó ăn “
Họ nghĩ đơn giản rằng chỉ cần nhà mình sạch thì được còn bẩn thì ai bẩn mặc ai. Những nơi công cộng không phải là của mình, vậy thì việc gì mà phải mất công gìn giữ. Cứ ném rác vội ra là xong, đã có đội vệ sinh lo dọn dẹp. Cách nghĩ như thế thật là thiển cận và nguy hại làm sao. Nguyên nhân tiếp theo là do thói quen đã có từ lâu, khó sửa đổi, phải có sự nhắc nhở thì người ta mới không xả rác bừa bãi. Ở các lớp học, hằng ngày, các thầy cô và ban cán sự lớp phải thường xuyên nhắc nhở thì mới giữ cho lớp học sạch đẹp. Nhưng xã hội là một phạm vị rộng lớn hơn lớp học rất nhiều. Mọi người đều bận rộn với công việc của mình và không một ai có đủ thời gian để đi nhắc nhở từng người một. Không được nhắc nhở, con người ta lại quay về với thói quen trước kia.
Nguyên nhân cuối cùng là do ý thức về vệ sinh của một số người chưa được tốt. Họ không nhận thức được rằng hành vi của mình là vô ý thức, phản văn hóa, văn minh, phá hoại môi trường sống. Bên cạnh đó cũng cần phải nói đến việc giáo dục ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống chưa được quan tâm đúng mức, chưa được tổ chức thường xuyên. Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn có những chương trình kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường của con người nhưng chúng quá ít ỏi, không đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu và học hòi của người dân. Do đó mà trình độ hiểu biết của người dân còn thấp dẫn đến thái độ tuân thủ nội quy nơi công cộng chưa đi vào nề nếp. Mặt khác, nếu so với các nước trên thế giới thì việc xử phạt những người vô ý thức cũng chưa thật nghiêm túc. Ví dụ như ở nước Singapo, chỉ cần ném một mẩu giấy ra đường là đã bị phạt tiền rất nặng. Tùy vào mức độ sai phạm mà người vi phạm có thể bị đánh giữa đường. Còn ở Việt Nam thì sao? Những người vô ý thức vẫn ung dung như không có gì xảy ra vì hình thức xử phạt ở nước ta quá dễ dãi, nhẹ nhàng chưa đủ sức răn đe.
Bài 2:
Hiện nay, ở đất nước ta, cứ mỗi bước chân đều xuất hiện rác, cho dù là nơi công cộng hay danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Lý do chính là việc không biết giữ gìn vệ sinh chung của đa số người dân trong thành phố, lâu nay trở thành thói quen và tạo thành hiện tượng xả rác bừa bãi.
Rác xuất hiện ở mọi nơi. Không đâu xa, cả những con đường ta hằng ngày đi lại cũng là nơi “trú ngụ” của rác. Một vỏ lon, một bọc nilon dơ, một vỏ trái cây,… chúng thường xuyên xuất hiện trên mặt đường khiến những người điều khiển phương tiện giao thông đôi khi bối rối vì phải tránh những thứ ấy. Không ít vụ tai nạn giao thông cũng vì thế mà ra. Đi xa hơn, ta có thể thấy những công viên cây xanh, là nơi để đi dạo và tập thể dục, cũng có rác. Rác lẫn trong những bụi cây, bãi cỏ, rác to, rác nhỏ,… và cả kim chích ma túy của những con nghiện ở khu vực xung quanh. Những loại rác như thế khiến mọi người không dám đến công viên vì ngại dơ và nguy hiểm. Những nơi đề cao sự sạch sẽ thì lại bị kêu gọi “Đừng xả rác!” như chợ, bệnh viện, trường học. Hãy thử bước vào những khu chợ, mùi đồ ăn tanh tưởi và rác thực phẩm xộc vào mũi, đường đi thì nhơm nhớp nước thải của các hàng bán thực phẩm tươi sống và hàng ăn. Không thể hiểu được tại sao những cô gái kia có thể vừa chuyện trò vừa ăn uống ngay bên cạnh một đống rác bốc mùi, ruồi muỗi bu quanh như thế! Không riêng gì chợ, bệnh viện cũng là nơi cần lên án.
Như ai cũng biết, bệnh viện rất cần sự sạch sẽ vì đó là nơi mọi người đến khám và chữa bệnh. Nhưng phần lớn người bước vào bệnh viện lại quên mất điều ấy. Họ vẫn ngang nhiên quăng bừa bãi rác trên tay xuống mặt đất. Không chỉ những người đến khám và chữa bệnh mà cả những người khám bệnh, bác sĩ và y tá, cũng rất cẩu thả trong việc xử lý rác y tế. Có những trường hợp rác y tế, những bông băng thấm đẫm máu, bị đặt chổng chơ và bốc mùi gần chỗ ngồi chờ khám đã làm một bệnh nhân ngồi gần đó nôn mửa ra sàn của bệnh viện. Bệnh nhân trở nên ngại đến bệnh viện. Khu trường học, nơi học tập và giáo dục, cũng không kém phần. Thử một lần ở lại sau giờ học, các bạn sẽ thấy các lớp học gần như đổi khác: bàn ghế xộc xệch, phấn viết bảng vương vãi khắp lớp, dưới mỗi chân bàn là những mảnh giấy tập bị vò nát, dù đầu giờ học lớp học đã được các nhân viên lao công dọn dẹp sạch sẽ. Mặc cho những thầy cô giáo nhắc nhở giữ gìn vệ sinh, học sinh vẫn không nghe. Vậy ý thức của các bạn học sinh ở đâu? Chỉ mới lướt qua một vài địa điểm của thành phố, nơi đi đầu về cuộc sống hiện đại, chúng ta đã thấy được thực trạng đáng buồn: thành phố đang tràn ngập trong rác.
Nguyên nhân chủ yếu của hiện trạng này chính do người dân không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung vì căn bệnh lười biếng của họ. Tại sao khi ngồi trong một nhà hàng danh tiếng, họ không dám vứt những mẩu xương cá ra sàn nhà mà phải ý tứ đặt lên mảnh giấy nhỏ, nhưng khi đi trên đường phố họ lại có thể quăng ngay cả một bịch nước xuống đường? Không chỉ thể hiện ý thức kém của người dân mà họ còn chứng tỏ một sự lười biếng, thiếu kỷ luật chung. Vì ngại cầm một miếng rác trong chốc lát mà họ đã góp phần tạo ra những bãi rác “lộ thiên”, mặc cho thùng rác chỉ cách vài bước chân. Những người chứng kiến người khác xả rác cũng không dám mở miệng nhắc nhở vì chính họ cũng xả rác như vậy và họ cho rằng việc xả rác này không nghiêm trọng. Người này xả rác dẫn đến người kia cũng xả rác theo.
Đối với trường học, nơi dạy dỗ và đào tạo nên những con người có ích cho xã hội thì căn bệnh đó trở thành căn bệnh ỷ lại. Học sinh xả rác thì cuối giờ đã có tổ trực nhật dọn dẹp hay những người lao công quét dọn. Và cuối cùng, việc xả rác mang lại lợi ích chung duy nhất cho mọi người xả rác: sự tiện lợi.
Hậu quả của hành động này thật là to lớn. Thứ nhất, xả rác làm mất mỹ quan của một thành phố. Có thành phố nào được gọi là văn minh, hiện đại mà rác lại chất đống ở những khu công cộng? Có ai chấp nhận được một hồ nổi tiếng, biểu tượng của thành phố thủ đô lại đục ngầu, đóng váng và rác nổi lềnh bềnh? Thứ nhì, xả rác làm xấu đi vẻ đẹp của chính chúng ta, của cả con người Việt Nam. Một vị khách du lịch khi sang thăm đất nước ta sẽ nghĩ gì khi thấy một người đàn bà đổ ào xô nước bẩn ra đường, hay một núi rác chất đống ngay biển báo “Cấm đổ rác”? Nếu họ là khách du lịch đến từ Nhật Bản, họ sẽ nghĩ rằng đó là hành động “hết sức dã man”, vì Nhật Bản đất nước đứng thứ hai thế giới về phát triển kinh tế và du lịch, được biết đến như một đất nước sạch sẽ nhất thế giới. Không chỉ riêng Nhật Bản, cả Singapore, Thái Lan,… những đất nước mạnh về du lịch, nhờ nhân dân có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, cũng để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách phương xa. Vậy con người và đất nước Việt Nam đã để lại ấn tượng gì cho các du khách ấy? Thứ ba, xả rác gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và những người xung quanh. Với một lượng rác thải hàng loạt như thế sẽ nảy sinh các mầm bệnh do vi khuẩn trong men rác tạo nên. Ngoài ra, những bãi rác còn là nơi trú ngụ của các sinh vật có hại như ruồi, muỗi, gián, kiến,… Chúng sẽ phát triển và mang mầm bệnh đi khắp nơi.
Cuối cùng, đây là hậu quả to lớn nhất mà hầu như không ai cố gắng khắc phục. Hằng năm, con kênh Nhiêu Lộc đều chịu một khối lượng rác và nước thải đổ xuống nhiều tới mức con kênh ngày càng đen và hôi thối. Nhà nước đã hai lần chi ra hàng trăm tỷ để nạo vét lòng kênh, nhưng sau một thời gian, kênh trở nên đen lại. Nước kênh Nhiêu Lộc đổ ra sông Sài Gòn và sông Sài Gòn chảy thẳng ra biển. Nước biển từ đấy bị ô nhiễm, chỉ do những hành động thiếu ý thức của người dân. Hậu quả không chỉ dừng ở đó, nó còn có thể biến tướng thành nhiều mặt khác, nhưng mọi người có hiểu được hậu quả lớn đến mức nào không vẫn còn tùy thuộc vào ý thức của mỗi người. Việc xả rác chỉ lợi cho ta trong phút chốc, nhưng hậu quả để lại thì khôn lường.
Vâng, tất cả đều do ý thức của con người mà nên. Và để ý thức được việc làm của mình, mỗi người cần phải được giáo dục từ nhỏ. Ở các trường mẫu giáo, các em nhỏ luôn được các cô nhắc nhở dạy dỗ rằng phải bỏ rác đúng nơi quy định. Một em bé sau khi uống hết một hộp sữa đã cầm vỏ hộp trên tay đến khi về nhà mới bỏ vào thùng rác, không vứt ra ngoài đường. Những người lớn hơn như chúng ta có suy nghĩ gì khi chứng kiến việc ấy? Thành phố nên tổ chức nhiều hơn những cuộc vận động làm sạch thành phố như “Mùa hè xanh” để nâng cao ý thức của người dân về vấn đề này. Ngoài ra, các trường lớp cần vận động học sinh bỏ rác đúng nơi quy định tích cực hơn nữa và nên áp dụng những hình thức kỷ luật đối với những bạn làm sai quy định. Nếu nói rằng đó là do ý thức của người dân thôi thì chưa đủ, trách nhiệm cũng một phần thuộc về chính quyền thành phố. Cần phải tăng lượng thùng rác ở các tuyến đường, tránh tình trạng một tuyến đường chỉ có một hoặc không có thùng rác nào, khiến người dân thấy bất tiện khi phải cầm rác vì không có thùng rác để bỏ vào. Hậu quả gây ra tuy to lớn, nhưng nếu mỗi người dân đều tập cho mình một thói quen nhỏ, bỏ rác đúng nơi quy định, thì tình hình sẽ được cải thiện lên rất nhiều.
Cuộc sống ngày càng đi lên, ý thức người dân ngày càng cao. Mỗi người dân đều góp phần tạo nên vẻ đẹp cho địa phương mình bằng chính những hành động nhỏ nhưng thiết thực. Giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng và bỏ rác đúng nơi quy định là thể hiện một con người văn minh, lịch sự và có văn hóa.
Trên đây là bài tập làm văn bài viết số 5 lớp 9, chúc các bạn làm tốt bài văn của mình!
Dài
Hay
có dàn bài ko ạ ??
bài hay
dài
viết vắn tắt hơn đi
Bài được 10₫ ko a
Dài quá admin ơi nếu làm dàn bài thì đỡ
Hi
Cũng hay nhở
Đỉnh