Bài tập làm văn THCS

Bài viết số 5 lớp 8 (Dàn ý và 5 đề mẫu)

Bài tập làm văn bài viết số 5 lớp 8 bao gồm dàn ý bài viết số 5 lớp 8 và các bài văn mẫu tuyển chọn cho: bài viết số 5 lớp 8 đề 1, bài viết số 5 lớp 8 đề 2, bài viết số 5 lớp 8 đề 3, bài viết số 5 lớp 8 đề 4, bài viết số 5 lớp 8 đề 5. Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các bạn học sinh viết bài tập làm văn số 5 lớp 8 hay nhất.

Bài viết số 5 lớp 8
Bài viết số 5 lớp 8

Bài viết số 5 lớp 8 đề 1

Đề bài: Giới thiệu về một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt.

Dàn ý bài viết số 5 lớp 8 đề 1

1. Mở bài
  • Giới thiệu khái quát về đồ dùng hay vật dụng đó.
2. Thân bài
  • Miêu tả hình dáng, màu sắc
  • Giới thiệu các bộ phận của đồ dùng hay vật dụng đó
  • Công dụng của đồ vật
  • Cách sử dụng đồ dùng hay vật dụng đó
3. Kết bài
  • Mối quan hệ của đồ dùng hay vật dụng đó với người học sinh hay với con người nói chung.

Bài văn mẫu bài viết số 5 lớp 8 đề 1

Bài văn mẫu bài viết số 5 lớp 8 đề 1
Bài văn mẫu bài viết số 5 lớp 8 đề 1
Bài mẫu 1: Giới thiệu về chiếc cặp sách

Suốt quãng đời cắp sách tới trường, người học sinh luôn bầu bạn với sách, vở, bút, thước,… và coi đó là những vật dụng không thể thiếu được. Trong số những dụng cụ học tập ấy thì vật dụng để đựng các thứ kể trên chính là chiếc cặp – một vật đã gắn bó với tôi nhiều năm và chắc trong tương lai sẽ còn hữu ích với tôi lắm!

Cặp sách được sử dụng nhiều trong quá trình học tập cũng như trong đời sống. Chắc chắn một điều rằng, cặp sách có thể được đưa vào danh sách hàng loạt những phát minh quan trọng của loài người. Việc phát minh ra cặp sách là do người Mỹ nghĩ ra vào năm 1988.

Về cấu tạo, bên ngoài, ta dễ thấy nhất: Nắp cặp, quai xách, kẹp nắp cặp, một số cặp có quai đeo, một số khác có bánh xe nhỏ được dùng để kéo trên đường,… Cấu tạo bên trong, có thể có một hoặc nhiều ngăn dùng để đựng tập sách, đồ dùng học tập, áo mưa, có thể có ngăn đựng ví tiền hay cả đồ ăn, nước uống nữa,…

Về quy trình, cho dù quy trình làm ra chiếc cặp như thế nào đi nữa thì nó cũng chỉ có những công đoạn chính gồm: Lựa chọn chất liệu, xử lí, khâu may, ghép nối. Chất liệu thì có rất nhiều loại cho phù hợp với yêu cầu của người dùng: Vải nỉ, vải bố, da cá sấu, gải da,… Dù làm bằng chất liệu gì thì cặp cũng phải chắc, vì nó phải khiêng vác rất nặng các tập sách. Kèm theo đó, kiểu dáng cặp cũng phải phù hợp, ví dụ như con trai thì thường đeo cặp có quai sang một bên cho có khí phách, năng động. Con gái mặc áo dài thì ôm cặp trước ngực để có vẻ dịu dàng, thùy mị. Con nít thì đeo cặp ra sau lưng để dễ dàng chạy nhảy, vui đùa. Cùng với màu sắc, hiện đang thịnh hành rất nhiều loại cặp với nhiều màu sắc, hình ảnh đa dạng, phong phú, bắt mắt phù hợp cho từng lứa tuổi.

Một số lời khuyên về việc sử dụng cặp cho đúng cách: Chiếc cặp khi đeo không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể của mình. Nên xếp những đồ vật nặng nhất vào phần trong của cặp (phần tiếp giáp với lưng). Xếp sách vở và đồ dùng học tập sao cho chúng không bị xô lệch. Chắc chắn rằng những vật dụng để trong cặp đều cần thiết cho các hoạt động trong ngày. Đối với cặp hai quai, chúng ta không nên đeo lủng lẳng một quai, dễ cong vẹo người. Đối với cặp chỉ có một quai, nên thay đổi vai đeo để tránh cong vẹo người. Khi mua cặp, nên chọn loại quai đeo có độn bông, mút hoặc vải,…

Ngày nay, có rất nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Miti, Samsonite, Tian Ling, Ling Hao,… phổ biến ở khắp mọi nơi như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Nhưng cho dù chúng đẹp đến đâu, bền cỡ nào đi chăng nữa, cũng từ từ theo thời gian mà hỏng dần đi nếu như chúng ta không biết cách bảo quản nó, chẳng hạn như quăng chúng ình ình mỗi khi gặp chuyện bực mình hoặc ham vui mà quăng nó đi. Thế nên, chúng ta không nên quăng cặp bừa bãi, mạnh tay, thường xuyên lau chùi cặp cho sạch sẽ.

Nói tóm lại, cặp sách là một vật dụng rất cần thiết trong việc học tập và cả trong đời sống của chúng ta. Nếu chúng ta sử dụng đúng cách, nó sẽ mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích và có thể được coi là người bạn luôn luôn đồng hành với mỗi chúng ta. Đặc biệt là đối với học sinh – chủ nhân tương lai của đất nước

Bài mẫu 2: Giới thiệu về chiếc máy tính

Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như ngày nay, đối với người học sinh, ngoài những người bạn thân quen như sách vờ, bút thước… chúng em còn có thêm một người bạn đặc biệt khác: Máy vi tính.

Chiếc máy vi tính đầu tiên ra đời năm 1956. Ban đầu, chiếc máy vi tính có kích thước rất lớn, nó to bằng cả một căn phòng và chỉ thực hiện được một số phép tính đơn giản. Theo thời gian, bằng sự nỗ lực của các nhà khoa học, kích thước chiếc máy tính đã được thu gọn lại như ngày nay.

Máy vi tính để bàn gồm hai bộ phận lớn tách rời nhau là CPU và màn hình. CPU là bộ phận quan trọng nhất của máy vi tính, đó là nơi xử lí các thông tin dữ liệu rất tinh vi. CPU có hình hộp chữ nhật, kích thước thường là 50 cm * 10 cm * 40 cm. Vỏ ngoài được làm bằng kim loại có phủ sơn cách điện. Bên trong là ổ cứng, bộ vi xử lí, các mạch điện, dây dẫn… Mặt trước của máy vi tính là hình chữ nhật kích thước 10 cm * 40 cm. Tại đây có các bộ phận nhỏ để nhận đĩa mềm, kết nối USB và máy, hệ thống nút điều khiển máy… Mặt sau của CPU là ổ cắm dây nối CPU với nguồn điện, màn hình, bàn phím và con trỏ chuột.

Màn hình máy vi tính thường có kích thước và hình dáng tương đương một chiếc ti vi 21 inch. Nhưng ngày nay do sự phát triển của công nghệ, màn hình máy vi tính chỉ mỏng chừng 2 cm đến 3 cm và được làm bằng tinh thể lỏng.

Ngoài hai bộ phận trên còn cần có bàn phím và con trỏ chuột mới có thể hoàn chỉnh một chiếc máy vi tính. Bàn phím có hình chữ nhật, kích thước vào khoảng 16 cm * 25 cm, có các phím chữ nổi lên giúp nhập thông tin vào máy. Con trỏ chuột thon nhỏ, vừa tay nắm, có ba nút để điều khiển các lệnh trên màn hình.

Việc sử dụng máy tính khá đơn giản. Với người học sinh, công dụng chủ yếu là tạo lập văn bản, sử dụng các phần mềm ứng dụng, khai thác Internet và … chơi game!

Để sử dụng máy, trước tiên, ta phải cắm phích vào ổ điện, bật máy CPU và bật máy màn hình. Tiếp đó, nếu tạo lập văn bản, ta nhấn hai lần chuột trái vào biểu tượng “W” (microsolf word) trên màn hình rồi sử dụng các phím chữ, đấu… nhập thông tin vào trang trắng trên màn hình. Để sử dụng các chương trình khác, ta cũng mở máy rồi sử dụng bàn phím và con chuột để nhập thông tin và tạo các lệnh.

Nhờ chiếc máy vi tính, người học sinh có thể trao đổi thông tin học tập, tâm tư tình cảm nhanh chóng, tiện dụng, có thể xem và thực hiện các thí nghiệm vật lí, hóa học, có thể tìm kiếm các thông tin cần thiết cho việc học tập… Ngoài ra, ta có thể giải trí bằng cách chơi trò chơi trên máy tính…

Chiếc máy vi tính là người bạn vô cùng hữu ích đối với người học sinh. Để bảo vệ người bạn đặc biệt này, chúng ta cần thường xuyên vệ sinh bàn phím, phủi bụi cho các bộ phận cùa máy. Ngoài ra, ta cần để máy nơi khô ráo, tránh ẩm ướt. Đặc biệt, nên cài một chương trình diệt “virus” – tác nhân có thể phá hoại dữ liệu trong máy.

Bài viết số 5 lớp 8 đề 2

Đề bài: Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh.

Dàn bài viết số 5 lớp 8 đề 2

1. Mở bài
  • Giới thiệu về danh lam thắng cảnh mà em dự định sẽ thuyết minh.
2. Thân bài
  • Giới thiệu nguồn gốc của khu di tích: Có từ bao giờ, ai phát hiện ra? đã kiến tạo lại bao giờ chưa?
  • Giới thiệu vị trí địa lí, đặc điểm bên ngoài (nhìn từ xa hoặc nhìn từ trên).
  • Trình bày về đặc điểm của từng bộ phận của khu di tích: Kiến trúc, ý nghĩa, các đặc điểm tự nhiên khác thú vị, độc đáo,…
  • Danh lam thắng cảnh của quê hương bạn đã đóng góp như thế nào cho nền văn hoá của dân tộc và cho sự phát triển nói chung của đất nước trong hiện tại cũng như trong tương lai (làm đẹp cảnh quan đất nước, mang lại ý nghĩa về giáo dục, ý nghĩa tinh thần, mang lại giá trị vật chất,…).
3. Kết bài
  • Khẳng định lại vẻ đẹp nhiều mặt của danh lam thắng cảnh đó.

Bài văn mẫu bài viết số 5 lớp 8 đề 2

Bài văn mẫu bài viết số 5 lớp 8 đề 2
Bài văn mẫu bài viết số 5 lớp 8 đề 2
Bài mẫu 1: Hồ Gươm

“Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, càng toả mát hương hoa thơm Thủ đô…”. Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến hình ảnh Hồ Gươm trong xanh và bóng Tháp Rùa nghiêng nghiêng soi dáng. Hồ Gươm cùng quần thể kiến trúc của nó đã trở thành một biểu tượng đẹp đẽ và thiêng liêng về Hà Nội – trái tim hồng của cả nước.

Hồ Gươm đã tồn tại từ rất lâu. Cách đây khoảng 6 thế kỷ, theo những địa danh hiện nay, hồ gồm hai phần chạy dài từ phố Hàng Đào, qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt tới phố Hàng Chuối, thông với sông Hồng. Nước hồ quanh năm xanh biếc nên hồ Gươm cũng được gọi là hồ Lục Thuỷ.

Vào thế kỷ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm. Sự kiện ấy gắn liền với truyền thuyết trả gươm thần cho Rùa Vàng của vị vua khai triều nhà Hậu Lê – người anh hùng của khởi nghĩa Lam Sơn chống lại giặc Minh (1417 – 1427), Lê Lợi. Truyền thuyết kể rằng khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, có người dân mò được một lưỡi gươm, sau đó chính ông nhặt được một cái chuôi ở trong rừng. Khi lưỡi gắn vào chuôi gươm thì thân gươm ánh lên hai chữ “Thuận Thiên” – “Thuận theo ý trời”. Gươm báu này đã theo Lê Lợi trong suốt thời gian kháng chiến chống giặc Minh. Khi lên ngôi về đóng đô ở Thăng Long, trong một lần nhà vua đi chơi thuyền trên hồ Lục Thuỷ, bỗng một con rùa xuất hiện. Rùa vươn đầu cất tiếng nói: “Xin bệ hạ hãy hoàn lại gươm cho Long Quân”. Lê Thái Tổ hiểu ra sự việc bèn rút gươm khỏi vỏ, giơ gươm ra thì gươm bay về phía con rùa. Rùa ngậm gươm lặn xuống đáy hồ, và từ đó hồ Lục Thuỷ có tên gọi mới là hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) hay hồ Gươm. Chính truyền thuyết đặc sắc này đã khẳng định tấm lòng yêu chuộng hoà bình, ghét chiến tranh của người dân Thăng Long – Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Câu chuyện này đã được nhấn mạnh trong ngày lễ Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hoà bình”

Sau đó, cũng vào thời Lê, hồ còn được dùng làm nơi tập luyện của thuỷ quân nên có lúc được gọi là hồ Thuỷ Quân.

Hồ Hoàn Kiếm là một thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Quanh hồ trồng nhiều loại hoa và cây cảnh. Đó là những hàng liễu rủ thướt tha, những nhành lộc vừng nghiêng nghiêng đổ hoa soi bóng dưới lòng hồ. Giữa hồ có tháp Rùa, cạnh hồ có đền Ngọc Sơn có “Đài Nghiên Tháp Bút chưa sờn”… Hình ảnh hồ Gươm lung linh giống như một tấm gương xinh đẹp giữa lòng thành phố đã đi vào lòng nhiều người dân Hà Nội. Người dân Hà Nội sống ở khu vực quanh hồ có thói quen ra đây tập thể dục vào sáng sớm, đặc biệt là vào mùa hè. Họ gọi các khu phố nằm quanh hồ là Bờ Hồ.

Không phải là hồ nước lớn nhất trong Thủ đô, song với nguồn gốc đặc biệt, hồ Hoàn Kiếm đã gắn liền với cuộc sống và tâm tư của nhiều người. Hồ nằm ở trung tâm một quận với những khu phố cổ chật hẹp, đã mở ra một khoảng không đủ rộng cho những sinh hoạt văn hóa bản địa. Hồ có nhiều cảnh đẹp. Và hơn thế, hồ gắn với huyền sử, là biểu tượng khát khao hòa bình (trả gươm cầm bút), đức văn tài võ trị của dân tộc (thanh kiếm thiêng nơi đáy hồ và tháp bút viết lên trời xanh). Do vậy, nhiều văn nghệ sĩ đã lấy hình ảnh Hồ Gươm làm nền tảng cho các tác phẩm của mình. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết:

“Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn Tháp Bút
Viết thơ lên trời cao”

Và như thế, Hồ Gươm sẽ mãi sống trong tiềm thức mỗi người dân Thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung như một biểu tượng thiêng liêng về lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc.

Bài mẫu 2: Vịnh Hạ Long

Nhắc đến danh lam thắng cảnh, những chốn có non nước hữu tình trên đất nước Việt nam ta khó lòng không nhắc đến vịnh Hạ Long. Cái tên ấy ai là người Việt nam cũng biết đến. Nó không chỉ đẹp trong hiện tại hay tương lai mà nó còn đẹp từ thời xưa trong câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: “Con gà, con cóc quê hương cũng biến Hạ Long thành thắng cảnh”. Mới đây vịnh Hạ Long còn dược UNESCO công nhận là một trong bảy kì quan đẹp nhất thế giới. Vậy không biết rằng Hạ Long có những gì mà lại được tôn vinh đến như vậy?

Vịnh Hạ Long còn có truyền thuyết đó là Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ vừa lúc đàn Rồng tới hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra lửa thiêu cháy thuyền giặc, một phần nhả Châu Ngọc dựng thành bức tường đá sừng sững làm cho thuyền giặc đâm phải mà vỡ tan, chặn đứng bước tiến của ngoại bang.

Sau khi giặc tan, thấy cảnh mặt đất thanh bình, cây cối tươi tốt, con người nơi đây lại cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau, Rồng Mẹ và Rồng Con không trở về trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra trận chiến để muôn đời bảo vệ con dân Đại Việt. Vị trí Rồng Mẹ đáp xuống là Hạ Long; nơi Rồng Con đáp xuống là Bái Tử Long và đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xoá là Bạch Long Vĩ (bán đảo Trà Cổ ngày nay, với bãi cát dài trên 15 km).

Lại có truyền thuyết khác nói rằng vào thời kỳ nọ khi đất nước có giặc ngoại xâm, một con rồng đã bay theo dọc sông xuôi về phía biển và hạ cánh xuống ở vùng ven biển Đông Bắc làm thành bức tường thành chắn bước tiến của thủy quân giặc. Chỗ rồng đáp xuống che chở cho đất nước được gọi là Hạ Long.

Trước hết về vị trí của vịnh Hạ Long thì nó nằm ở vùng Ðông Bắc Việt Nam, vịnh Hạ Long là một phần vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Ðồn. Phía tây nam Vịnh giáp đảo Cát Bà, phía đông là biển, phần còn lại giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km, được giới hạn từ 106058′ – 107022′ kinh độ Ðông và 20045′ – 20050′ vĩ độ Bắc với tổng diện tích 1553 km2.

Tiếp nữa là về đảo ở đây thì có 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Đảo nơi đây gồm có hai dạng đó là đảo đá vôi và đảo phiếm thạch tập trung ở Bái tử long và vinh Hạ Long. Ở đây thì chúng ta thấy được hàng loạt những hang động đẹp và nổi tiếng. Vùng Di sản thiên nhiên được thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với 3 đỉnh là đảo Ðầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam), đảo Cống Tây (phía đông) vùng kế bên là khu vực đệm và di tích danh thắng quốc gia được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng năm 1962.

Đến với Hạ Long thì người ta không thể nào rời mắt khỏi những cảnh vật nơi đây. Nào là núi, nào là nước với những hang động thật sự hấp dẫn người ta muốn đi tới tận cùng để tìm thấy cái hữu hạn trong cái vô hạn của trời nước, núi non ấy. Chúng ta cứ ngỡ rằng ngọn núi kia giống như những người khổng lồ vậy, ngồi trong thuyền mà ngước lên để đo tầm cao của những ngọn núi ấy thật sự là mỏi mắt. Đến đây ta mới biết hết thế nào là sự hùng vĩ, thế nào là sự hữu tình giữa nước và non. Làn nước biển mặn mà vị xa xăm của muối. Hang động với những nhũ đá như sắp rơi xuống nhưng thật chất lại là không rơi. Nó cứ tua tủa như muôn ngàn giọt ngọc dạng lỏng lấp lánh dính vào nhau nhưng không rơi xuống.

Con người nơi đây cũng thật sự là rất đáng yêu đáng quý. Họ không những mến khách mà còn như một người hướng dẫn viên du lịch vừa nói giới thiệu tả cảnh vừa vững tay chèo đẩy lái đến nơi khách muốn qua. Những con người ở đây nồng nhiệt mỗi khi có khách đến và khi khách đi thì để lại những ấn tượng khó phai về những con người miền non nước hữu tình với những tình cảm mặn mà như là muối biển vậy.

Qua đây ta thấy vịnh Hạ Long rất xứng đáng là một trong bảy kì quan của thế giới. Nếu những ai đã được đặt chân đến đây thì chắc hẳn rất ấn tượng bởi cảnh đẹp và con người nơi đây. Còn những ai chưa đến thì hãy nhanh chóng đến mà tận hưởng những gì là tạo hóa ban tặng, những gì là mẹ thiên nhiên.

Bài viết số 5 lớp 8 đề 3

Đề bài: Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học đơn giản.

Dàn ý bài viết số 5 lớp 8 đề 3

1. Thuyết minh về một văn bản cần chú ý làm nổi bật những ý sau:
  • Giới thiệu về các phần các mục của văn bản.
  • Công dụng của văn bản.
  • Cách làm.
  • Những điểm cần lưu ý hay những lỗi thường gặp nên tránh khi tạo lập văn bản.
2. Thuyết minh về một thể loại văn học cần tập trung vào các ý
  • Đặc điểm của thể loại:
    + Về cấu trúc.
    + Về âm thanh.
    + Về nhịp điệu.
    + Số câu, số chữ.
  • Nguyên tắc cấu tạo, xây dựng hình tượng.
  • Vai trò của thể loại trong lịch sử và trong đời sống văn học nói chung.

Bài văn mẫu bài viết số 5 lớp 8 đề 3

Bài văn mẫu bài viết số 5 lớp 8 đề 3
Bài văn mẫu bài viết số 5 lớp 8 đề 3
Bài mẫu 1: Thuyết minh về thơ lục bát

Lục bát là một trong hai thể loại thơ chính của Việt Nam (lục bát và song thất lục bát). Thơ lục bát ở Việt Nam được truyền bá và phát triển hàng trăm năm nay. Thơ lục bát đã thấm đẫm tâm hồn người Việt chúng ta vì đó là thể thơ trong ca dao, đồng dao và các bài ru con. Ngày nay thơ lục bát vẫn được các nhà thơ hiện đại tiếp thu, hoàn chỉnh và giữ một vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Thơ lục bát rất giản dị về quy luật, thường dùng để diễn tả những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tâm hồn con người.

Thơ lục bát có nguồn gốc lâu đời, là một thể thơ dân tộc ta, thơ lục bát bao gồm có thể từ hai câu trở lên. Trong đó cứ hai câu ghép lại thành một cặp câu. Các cặp câu gồm có một câu 6 tiếng (câu lục) và một câu 8 tiếng (câu bát), và xen kẽ cứ câu lục là câu bát rồi đến cặp câu khác, số câu trong bài không giới hạn. Thông thường thì bắt đầu bằng câu sáu chữ và chấm dứt ở câu tám chữ. Nhưng cũng có khi kết thúc bằng câu sáu để đạt tính lơ lửng, thanh và vần, vì vậy tìm hiểu thơ lục bát là tìm hiểu về luật và vần của nó. Luật về thanh giúp cho câu thơ trở nên hài hoà. Các vần chính là hình thức kết dính các câu thơ lại với nhau.

Luật thanh trong thơ lục bát: Thơ lục bát có 2 câu chuẩn là câu lục và câu bát, cũng như thơ Đường luật, nó tuân thủ quy tắc nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh. Nghĩa là các tiếng thứ 1, 3, 5 trong câu có thể tự do về thanh, nhưng các tiếng thứ 2, 4, 6 thì phải theo luật chặt chẽ. Luật như sau:

Câu lục: Theo thứ tự tiếng thứ 2 – 4 – 6 là Bằng (B) – Trắc (T) – Bằng (B)
Câu bát: Theo thứ tự tiếng thứ 2 – 4 – 6 – 8 là B – T – B – B

Ví dụ:

Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân (B – T – B)
Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều (B – T – B – B)

Về phối thanh, chỉ bắt buộc các tiếng thứ tư phải là trắc, các tiếng thứ hai, thứ sáu, thứ tám phải là bằng, nhưng trong câu tám các tiếng thứ sáu thứ tám phải khác dấu, nếu trước là dấu huyền thì sau phải là không dấu hoặc ngược lại:

Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Thế nhưng đôi khi có thể tự do về tiếng thứ hai của câu lục hay câu bát, có thể biến nó thành thanh trắc. Hoặc là câu lục giữ nguyên mà câu bát thì lại theo thứ tự T – B – T – B những câu thơ thế này ta gọi là lục bát biến thể.

Ví dụ:

Có xáo thì xáo nước trong T – T – B
Đừng xảo nước đục đau lòng cò con T – T – B – B

Hay:

Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non T – B – T – B

Cách gieo vần trong thơ lục bát: Thơ lục bát có cách gieo vần khác với các thơ khác. Có nhiều vần được gieo trong thơ nhiều câu chứ không phải là một vần, điều này tạo cho thơ lục bát tính linh hoạt về vần. Thể thơ lục bát thường được gieo vần bằng; tiếng cuối của câu lục hợp với tiếng thứ sáu của câu bát, tiếng thứ sáu của câu bát hợp với tiếng của câu lục tiếp; cứ như thế đến hết bài lục bát:

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thay mà đau đớn lòng.

Như thế ngoài vần chân có ở hai câu 6 8, lại có cả vần lưng trong câu tám. Tiểu đối trong thơ lục bát: Đó là đối thanh trong hai tiếng thứ 6 (hoặc thứ 4) của câu bát với tiếng thứ 8 câu đó. Nếu tiếng này mang thanh huyền thì tiếng kia bắt buộc là thanh ngang và ngược lại.

Ví dụ:

Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Ngoài đối thanh còn có đối ý:

Dù mặt lạ, đã lòng quen
(Bích câu kì ngộ)

Cách ngắt nhịp trong thơ lục bát: Thơ lục bát thông thường ngắt nhịp chẵn, là nhịp 2/2/2, hoặc 4/4 để diễn tả những tình cảm thương yêu, buồn đau…

Người thương/ơi hỡi/người thương
Đi đâu/mà để/buồng hương/lạnh lùng

Đôi khi để nhấn mạnh nên người ta đổi thành nhịp lẻ đó là nhịp 3/3: Chồng gì anh/ vợ gì tôi chẳng qua là cái nợ đòi chi đây. Khi cần diễn đạt những điều trắc trở, khúc mắc, mạnh mẽ, đột ngột hay tâm trạng bất thường, bất định thì có thể chuyển sang nhịp lẻ 3/3, 1/5, 3/5… Thể thơ lục bát với cách gieo vần, phối thanh và ngắt nhịp giản dị mà biến hóa vô cùng linh hoạt, phong phú và đa dạng, nó rất dồi dào khả năng diễn tả. Đa số ca dao được sáng tác theo thể lục bát. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu có hơn 90% lời thơ trong ca dao được sáng tác bằng thể thơ này.

Từ những đặc trưng cấu trúc ngữ nghĩa trên có thể thấy về cơ bản thể thơ lục bát vẫn là thể thơ nền nã, chỉnh chu với những quy định rõ ràng về vần nhịp, về số tiếng mỗi dòng thơ, về chức năng đảm trách của mỗi câu trong thể. Tuy vậy cũng có lúc câu lục tràn sang câu bát, câu lục và câu bát dài quá khổ, có khi xê dịch phối thanh, hiệp vần… đó là dạng lục bát biến thể. Sự biến đổi đó là do nhu cầu biểu đạt tình cảm ngày càng phong phú, đa dạng phá vỡ khuôn hình 6/8 thông thường. Tuy nhiên dù phá khuôn hình, âm luật, cách gieo vần của thể thơ lục bát cơ bản vẫn giữ nguyên. Đó là dấu hiệu đặc trưng cho ta nhận biết nó vẫn là thể lục bát.

Bên cạnh lục bát truyền thống còn có lục bát biến thể là những câu có hình thức lục bát nhưng không phải trên sáu dưới tám mà có sự co giãn nhất định về âm tiết về vị trí hiệp vần… Hiện tượng lục bát biến thể là vấn đề đáng chú ý trong ca dao, chúng ta có thể xem xét một số trường hợp: Lục bát biến thể tăng, tiếng lục bát biến thể giảm số tiếng.

Xét về mặt nội dung thơ lục bát diễn đạt tâm trạng nhiều chiều của nhàn vật trữ tình. Thông thường người bình dân hay mượn thể loại văn vần này để bày tỏ nỗi lòng, tâm trạng của mình trong cuộc sống, sinh hoạt, tình yêu… do vậy thể thơ chủ yếu của ca dao vần là thể lục bát vì nó có khả năng diễn đạt tất thảy những cung bậc cảm xúc như: Tình yêu trai gái, tình yêu gia đình, xóm làng, yêu đồng ruộng, đất nước, yêu lao động, yêu thiên nhiên…. Dân tộc nào cũng có một thể thơ, một điệu nhạc phù hợp với cuộc sống của dân tộc đó. Lục bát là thể thơ hài hoà với nhịp đập của con tim, nếp nghĩ, cách sinh hoạt của người dân Việt Nam. Ca dao, tiếng nói mang đầy âm sắc dân tộc cũng được chuyển tải bằng lục bát. Việc sáng tạo thể thơ độc đáo này thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người bình dân, rất nhiều nhà thơ thành công nhờ thể thơ này. Những truyện thơ vĩ đại nhất của Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên đều được thể hiện bằng hình thức thơ lục bát. Sau này các nhà thơ hiện đại cũng đã rất thành công khi vận dụng thể lục bát trong các sáng tác của mình. Nguyễn Bính, Đồng Đức Bốn tiêu biểu cho dòng lục bát dân gian. Dòng lục bát trí tuệ có thể xem Lửa thiêng của Huy Cận trong phong trào Thơ Mới là thành tựu mở đầu. Dòng lục bát hiện đại có Bùi Giáng, Nguyễn Duy, Tố Hữu …

Bởi cái chất duyên dáng, kín đáo, không ồn ào của lối nghĩ phương Đông, lục bát đã giữ cho mình luôn có cái vẻ nền nã. Ngày nay thể lục bát vẫn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Bài mẫu 2: Thuyết minh về thơ thất ngôn bát cú đường luật

Thể thơ thất ngôn bát cú được hình thành từ thời nhà Đường. Một thời gian dài trong chế độ phong kiến, thể thơ này đã được dùng cho việc thi cử tuyển chọn nhân tài. Thể thơ này đã được phổ biến ở nước ta vào thời Bắc thuộc và chủ yếu được những cây bút quý tộc sử dụng.

Cấu trúc bài thơ thất ngôn bát cú gồm 8 câu, mỗi câu 7 chữ. Nếu tiếng thứ hai của câu 1 là vẫn bằng thì gọi là thể bằng, là vần trắc thì gọi là thể trắc. Thể thơ quy định rất nghiêm ngặt về luật bằng trắc. Luật bằng trắc này đã tạo nên một mạng âm thanh tinh xảo, uyển chuyển cân đối làm lời thơ cứ du dương như một bản tình ca. Người ta đã có những câu nối vấn đề về luật lệ của bằng trác trong từng tiếng ở mỗi câu thơ: Các tiếng nhất – tam – ngũ bất luận còn các tiếng: nhị – tứ – lục phân minh. Tuy nhiên trong quá trình sáng tác bằng sự sáng tạo của mình, các tác giả đã làm giảm bớt tính gò bó, nghiêm ngặt của luật bằng – trắc để tâm hồn lãng mạn có thể bay bổng trong từng câu thơ. Ví dụ trong bài “Qua Đèo Ngang” được viết theo thể bằng:

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà t – T – b – B – t – T – B
Cỏ cây chen đá lá chen hoa t – B – b – T – t – B – B

Về vần, thể thơ thường có vần bằng được gieo ở tiếng cuối các câu 1 – 2 – 4 – 6 – 8. Vần vừa tạo sự liên kết ý nghĩa vừa có tác dụng tạo nên tính nhạc cho thơ. Ví dụ trong bài “Qua Đèo Ngang”, vẫn được gieo là vần “a”.

Thể thơ còn có sự giống nhau về mặt âm thanh ở tiếng thứ 2 trong các cặp câu: 1 – 8, 2 – 3, 4 – 5, 6 – 7. Chính điều này tạo cho bài thơ một kết cấu chặt chẽ và nhịp nhàng trong âm thanh. Trong bài thơ “Qua Đèo Ngang”: Câu 1 – 8 giống nhau ở tất cả các tiếng, trừ tiếng thứ 6 (TTBBTB) câu 2 – 3 giống nhau ở các tiếng 2, 4, 6 (BTB)…

Vế đối, thể thơ có đối ngẫu tương hỗ hoặc đối ngẫu tương phản ở các câu: 3 – 4, 5 – 6. Ở bài thơ “Qua Đèo Ngang” câu 3 – 4 hỗ trợ nhau để bộc lộ sự sống thưa thớt, ít ỏi của con người giữa núi đèo hoang sơ, câu 5 – 6 cùng bộc lộ nỗi nhớ nước thương nhà của tác giả. Các câu đối cả về từ loại, âm thanh, ý nghĩa.

Cấu trúc của thể thơ thất ngôn bát cú gồm bốn phần: Hai câu đề nêu cảm nghĩ chung về người, cảnh vật, hai câu thực miêu tả chi tiết về cảnh, việc, tình để làm rõ cho cảm xúc nêu ở hai câu đề; hai câu luận: Bàn luận, mở rộng cảm xúc, thường nêu ý tưởng chính của nhà thơ; hai câu kết: Khép lại bài thơ đồng thời nhấn mạnh những cảm xúc đã được giãi bày ở trên. Cấu trúc như vậy sẽ làm tác giả bộc lộ được tất cả nguồn cảm hứng sáng tác, ngạch cảm xúc mãnh liệt để viết lên những bài thơ bất hủ.

Còn về cách ngắt nhịp của thể thơ, phổ biến là 3 – 4 hoặc 4 – 3 (2 – 2 – 3; 3 – 2 – 2). Cách ngắt nhịp tạo nên một nhịp điệu êm đềm, trôi theo từng dòng cảm xúc của nhà thơ.

Thể thơ thất ngôn bát cú thực sự là một thể tuyệt tác thích hợp để bộc lộ những tình cảm da diết, mãnh liệt đến cháy bỏng đối với quê hương đất nước thiên nhiên. Chính điều đó đã làm tăng vẻ đẹp bình dị của thể thơ. Có những nhà thơ với nguồn cảm hứng mênh mông vô tận đã vượt lên trên sự nghiêm ngặt của thể thơ phá vỡ cấu trúc vần, đối để thể hiện tư tưởng tình cảm của mình. Tóm lại, thể thơ thất ngôn bát cú mãi mãi là một trang giấy thơm tho để muôn nhà thơ viết lên những sáng tác nghệ thuật cao quý cho đời sau.

Bài viết số 5 lớp 8 đề 4

Đề bài: Giới thiệu một loài hoa hoặc một loài cây.

Dàn ý bài viết số 5 lớp 8 đề 4

1. Mở bài
  • Giới thiệu tên loài hoa hay loài cây mà em yêu thích.
2. Thân bài
  • Thuyết minh về đặc điểm, phẩm chất của loài cây, loài hoa.
  • Hoa (cây) có đặc điểm gì nổi bật: Nguồn gốc, thân, lá, hoa, nụ, quả.
    Vai trò, tác dụng của loài hoa hay loài cây đó là gì: Làm cảnh, trang trí cho đẹp; làm thuốc; lấy quả,…(nếu dẫn ra được các số liệu cụ thể thì càng tốt).
3. Kết bài
  • Nêu cảm nghĩ của bản thân đối với loài hoa hay loài cây mà mình yêu thích. Cũng có thể nêu ra những bài học về sự thích thú và ích lợi của cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.

Bài văn mẫu bài viết số 5 lớp 8 đề 4

Bài văn mẫu bài viết số 5 lớp 8 đề 4
Bài văn mẫu bài viết số 5 lớp 8 đề 4
Bài mẫu 1: Thuyết minh về hoa hồng

Hoa hồng xuất hiện trên trái đất từ lâu đời, có xuất xứ từ các vùng ôn đới và á nhiệt đới phía Bắc bán cầu. Ở nước ta, hoa hồng được trồng khắp nơi, từ miền núi, trung du cho đến đồng bằng châu thổ. Là một loài hoa toàn bích vừa có màu sắc rực rỡ, vừa có hương thơm quý phái nên hoa hồng được nhiều người ưa chuộng, nâng niu. Vì thế, nó trở nên quen thuộc trong đời sống hằng ngày.

Nhiều giống hoa hồng có nguồn gốc địa phương, một số có nguồn gốc từ Trung Quốc và các nước châu Âu. Phổ biến là hoa hồng đỏ, cây thấp cành mềm, mọc thành từng bụi. Hoa ít cánh, màu đỏ tươi, nở quanh năm, thường được trồng trong chậu, trong bồn trước cửa nhà.

Hoa hồng quế mọc thành chùm ở đầu cành, bông nhỏ màu đỏ cờ, nhụy vàng tươi, hương thơm ngát. Các bà, các chị hay dùng hoa hồng quế để dâng cúng Phật vào dịp ngày rằm, mùng một Âm lịch.

Hồng bạch tuyền hoa màu trắng, cánh nhiều tầng nhưng mỏng và mềm, hương thơm dịu, dùng để trang trí phòng khách rất sang. Cánh hoa chưng với mật ong và trái quất làm thuốc chữa ho cho trẻ con rất tốt.

Hồng bạch văn khôi bông lớn hơn, cánh trắng phớt hồng, cây cao trung bình, có sức chịu đựng rất dẻo dai.

Hoa hồng nhung bông lớn, cánh đỏ sẫm, lâu tàn, hương thơm ngát, rất quý.

Các loại hoa hồng kể trên xuất hiện từ nông thôn đến thị thành, được trồng nhiều ở các công viên, thu hút sự say mê của du khách. Tuy vậy, người yêu hoa hồng không thể bỏ qua hoa hồng dại, còn gọi là tầm xuân, cây nhỏ, cành mềm, mọc lan khắp chốn. Bông hồng dại mọc thành chùm chỉ chít, xinh xắn, dễ thương vô cùng! Những bụi hồng dại nở trên tường rào, điểm xuyết nét thơ mộng, thanh bình cho ngôi nhà, góc phố thân yêu.

Trong những năm gần đây, các giống hoa hồng nhập vào nước ta được trồng theo quy trình kĩ thuật hiện đại trong các nhà kính ở Đà Lạt. Hoa hồng Hà Lan màu đỏ sậm, màu vàng cam, hoa hồng Pháp màu vàng tươi, mọc đơn từng bông, cánh dày, tươi lâu, có thể vận chuyển đi xa, rất thích hợp với nhu cầu xuất khẩu và nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều của nhân dân các thành phố lớn.

Cây hoa hồng tương đối dễ trồng, dễ thích nghi với các vùng khí hậu khác nhau. Hoa hồng trồng theo cách chiết và giâm cành. Chọn cành mập mạp, không già không non, bóc một khoanh vỏ rồi đắp bùn trộn lẫn phân mùn xung quanh, bó chặt, tưới nước hằng ngày, đợi đến khi đâm rễ thì cắt đem trồng. Một thời gian sau, khi cành chiết đã đâm nhánh thì bón thúc cho cây phát triển.

Hoa hồng ưa ánh sáng, cần độ ẩm vừa đủ. Tuy vậy, cây hoa hồng hay bị các loại sâu phá hoại như sâu đục thân, sâu róm, sâu tơ ăn lá. Cho nên người trồng phải thường xuyên phun thuốc, bắt sâu, tỉa bớt lá già để cho cây xanh tốt. Mỗi năm, cần đốn bớt một lần. Vài năm đốn đau (gần sát đất) một lần cho cây trẻ lại.

Cây hồng đang độ trổ hoa, ở đầu mỗi cành có nhiều nụ lớn bằng đốt ngón tay, được bao bọc trong một lớp đài hoa màu xanh nhạt. Những nụ chị, nụ em chi chít, âm thầm chuẩn bị đến ngày khoe sắc, khoe hương. Nụ hoa uống sương đêm và tắm ánh nắng mai, từ từ hé nở. Những cánh hoa đỏ thắm, trông đáng yêu vô cùng! Khi hoa nở khoe nhuỵ vàng tươi, toả hương thơm ngát, quyến rũ bướm ong. Những cánh hoa xinh xinh đáng yêu như đôi môi em bé.

Cây hoa hồng ra hoa quanh năm nhưng nở rộ nhất là vào mùa xuân. Sáng sớm, đứng ngắm những bông hồng mới nở, cánh đọng sương sớm long lanh, hương bay phảng phất, ta sẽ thấy lòng phơi phới một cảm xúc yêu đời. Tuổi trẻ mượn hoa hồng để bày tỏ tình yêu nồng nàn, tha thiết. Hoa hồng được tôn vinh là nữ hoàng của các loài hoa – mãi mãi làm đẹp cho cuộc sống của con người.

Bài mẫu 2: Thuyết minh về hoa cúc

Trong thế giới của những loài thực vật, mỗi loại hoa, mỗi cành cây, nhánh cỏ lại mang những vẻ đẹp riêng, ý nghĩa riêng mà chúng ta không phải ai cũng biết được điều đó. Mỗi loại cây, hoa lại thể hiện những ý nghĩa riêng. Có những khi, chúng ta tặng cho nhau bó hoa để thay cho lời mình muốn nói. Và đối với em, em yêu nhất là những bông hoa cúc – loài hoa tượng trưng cho sự cao thượng và hoa cúc cũng được coi là hình ảnh đại diện mỗi khi chúng ta nhắc tới mùa thu.

Mùa thu tới mang theo những cơn gió heo may, cái lành lạnh của mùa thu mang tới bên khung cửa cũng là lúc chúng ta lại tìm những cánh hoa cúc nhỏ xinh về bên mình như một nét đẹp mà chỉ mùa thu mới có. Cúc được coi là một trong từ bình: Mai – trúc – cúc – tùng. Đây không chỉ là những hình ảnh đại diện cho bốn mùa mà còn là hình ảnh tượng trưng cho cốt cách của những con người thanh cao. Hoa cúc tại sao lại nằm trong tứ bình? Đó là bởi vì hoa cúc không chỉ là loài hoa tượng trưng cho mùa thu mà hoa cúc còn tượng trưng cho sự vĩnh cửu, sự trường thọ mà biểu đạt cho ý nghĩa trên chính là những bông cúc trường thọ. Theo quan điểm của nhân dân, những bông hoa cúc khi bị khô héo đi, chúng chỉ bị lụi tàn ở trên cây chứ không bao giờ rụng xuống dưới mặt đất, cũng giống như hình ảnh của những người chính nhân quân tử chỉ có thể chết đứng trong sự ngay thẳng chứ không bao giờ chịu sự chèn ép, chết không được trong sạch. Bởi vậy nên cúc đã là hiện thân của người quân tử trong lòng những người yêu thiên nhiên và muốn tìm cho mình những ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Còn theo quan niệm của dân gian, chắc hẳn chúng ta cũng đã từng nghe sự tích về cây hoa cúc. Cây hoa cúc cũng thể hiện sự hiếu thảo, báo đáp công ơn của cha mẹ, mỗi cánh hoa là mỗi ngày người mẹ được sống. Với những bông cúc có vô ngàn những cánh hoa nhỏ xinh như vậy thì điều đó cũng có nghĩa là cha mẹ của chúng ta cũng sẽ luôn được hạnh phúc, trường thọ.

Những bông hoa cúc tuy được coi là đại diện, là hình ảnh của mùa thu, thế nhưng, chúng vẫn có thể nở quanh năm. Có rất nhiều những loại hoa cúc trong thế giới hiện nay. Nào là hoa cúc vàng, hoa cúc trắng, cúc vạn thọ, cúc tím. Với những người yêu hoa thì mỗi loại hoa cúc lại mang những ý nghĩa riêng biệt không giống nhau. Có lẽ chúng ta sử dụng những bông cúc có màu vàng nhiều nhất bởi màu sắc rực rỡ của nó. Màu vàng là màu tượng trưng cho tuổi trẻ, cho những khát vọng mãnh liệt của mỗi chúng ta. Cũng gần giống như những bông hoa cúc vàng, những bông hoa cúc trắng cũng mang trong mình vẻ đẹp riêng. Phía trên cùng là những cánh hoa nhỏ li ti xếp chồng lên nhau, mang trong mình mùi thơm thoang thoảng, đầy ý nhị. Không phô trương như những bông hoa hồng rực lửa, cúc chỉ có sự nhẹ nhàng, đằm thắm như hình ảnh của những người phụ nữ dịu dàng. Phía dưới là những đài hoa xanh biếc nâng đỡ những cánh hoa bên trên. Chúng như bàn tay nhỏ bé, nâng niu từng cánh hoa giúp cho chúng có thể bám vào nhau, tạo nên vẻ đẹp của những bông cúc trong nắng nhẹ của những ngày thu – nhất là những ngày thu của tiết trời hà nội. Cúc thường mọc thành từng cụm, những bông cúc thường có thể tươi trong nửa tháng mới tàn, thế nhưng chỉ vài ngày sau, những nụ hoa cúc đã bắt đầu nở rộ ở những nhánh bên cạnh. Vào những lúc như thế này, sức sống của những bông cúc mới mãnh liệt hơn bao giờ hết. Hay như những bông cúc trường tho, chúng gây nổi bật bởi hình dáng của mình. Chúng là những bông hoa to bằng cái bát ăn cơm, bông hoa nở rộ lên, mang ý nghĩa của sự vĩnh cửu. Có lẽ vì vậy mà những bông cúc trường thọ cũng được nhiều người ưu ái hơn so với những bông cúc khác. Chúng rất hay được mua trong những ngày lễ quan trọng như ngày cha mẹ hay ông bà trong những ngày mừng thọ.

Chính bởi những ý nghĩa như trên mà những bông hoa cúc được coi là một trong những hình ảnh được nhiều thi sĩ lấy đó làm chủ đề cho những sáng tác của mình. Những bài thơ về hoa cúc có lẽ chỉ đứng sau hoa hồng mà thôi. Những người yêu thơ có lẽ biết rất nhiều những bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của hoa cúc như:

Trăm hoa đua nở, vắng ngươi hoài!
Trăm hoa tàn rồi mới thấy ngươi
Tháng rét một mình, thưa bóng bạn
Nhị thơm chẳng rữa, chạnh lòng ai
Nhấp nhô lưng giậu, xanh chồi trúc
Óng ả đầu hiên ướt ngọn mai
Cất chén mỉm cười, vừa ý tớ
Bõ công vun xới đã lâu ngày

(Cúc – Nguyễn Khuyến)

Bài viết số 5 lớp 8 đề 5

Đề bài: Thuyết minh về một giống vật nuôi.

Dàn ý bài viết số 5 lớp 8 đề 5

1. Mở bài
  • Giới thiệu về giống vật nuôi mà em định thuyết minh (một loài chim quý, một vật nuôi trong gia đình).
2. Thân bài

Thuyết minh về đặc điểm, vai trò của loài vật:

  • Giới thiệu về hình dáng, cấu tạo, màu sắc, các bộ phận cụ thể của loài vật bằng một giọng văn hớn hở và thích thú.
  • Giới thiệu những tập tính của loài vật (cách ăn, ngủ, sinh sản,…).
  • Vai trò, công dụng của loài vật đó đối với đời sống con người.

3. Kết bài

  • Nêu cảm nghĩ, tình cảm của mình đối với loài vật đó.

Bài văn mẫu bài viết số 5 lớp 8 đề 5

Bài văn mẫu bài viết số 5 lớp 8 đề 5
Bài văn mẫu bài viết số 5 lớp 8 đề 5
Bài mẫu 1: Thuyết minh về con vịt

Vịt là loài gia cầm được người nông dân chăn nuôi từ lâu đời bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích. Hình ảnh từng đàn vịt khoảng vài chục con thong dong bơi lội trên mặt ao, mặt đầm hay hàng ngàn con sục sạo kiếm mồi, kêu ồn ã cả một quãng đồng là hình ảnh quen thuộc ở làng quê.

Các giống vịt chủ yếu của nước ta gồm vịt đàn hay còn gọi là vịt tàu, vịt cỏ. Loại này thân nhỏ, đầu và mỏ thanh tú, lông có nhiều màu: Đen, nâu, xám, xanh đen pha trắng… trọng lượng chỉ độ 1 kg đến 1,5 kg. Vịt đàn thường được nuôi thành từng đàn lớn, hàng trăm hay hàng ngàn con. Chúng có sức chịu đựng kham khổ và ít mắc bệnh, kiếm mồi rất giỏi trên đồng ruộng. Vịt đàn đẻ nhiều, trứng nhỏ nhưng ngon. Thịt vịt đàn được nhiều người ưa thích vì có vị ngọt đậm và thơm. Nông dân ở các vùng đồng bằng miền Bắc, miền Nam thường nuôi vịt đàn theo lối chăn thả tự nhiên từ trước đến nay.

Bên cạnh giống vịt đàn còn có giống vịt bầu. Vịt bầu lớn con hơn vịt đàn, cổ ngắn, chân thấp, lông nhiều màu, dáng đi lạch bạch. Thịt vịt bầu cũng mềm và ngọt nhưng nhiều mỡ hơn vịt đàn. Các gia đình nuôi vịt bầu vừa phục vụ cho nhu cầu sử dụng ngày giỗ, ngày Tết, vừa bán để tạo nguồn thu nhập quanh năm. Đồng bào miền Nam trước đây nuôi rất nhiều giống vịt cổ lùn, có những đặc điểm tương tự như vịt bầu ngoài Bắc, để tận dụng nguồn thức ăn phong phú từ kênh rạch và đồng ruộng.

Hiện nay, các trại chăn nuôi quốc doanh và tư nhân đầu tư khá lớn về mặt vật chất để nuôi giống vịt nhập từ nước ngoài vào, gọi là vịt siêu thịt. Vịt siêu thịt được nuôi theo kiểu công nghiệp trong chuồng trại, ăn cám hỗn hợp, được theo dõi và tiêm chủng thường xuyên. Trọng lượng của giống vịt này khá lớn, sau 3 tháng có thể đạt tới trên 3 kg một con. Đặc điểm vượt trội của nó là chất lượng thịt đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, chế biến thành nhiều món ăn cao cấp.

Để việc chăn nuôi vịt ngày càng phát triển, đem lại hiệu quả cao, người nông dân phải nắm vững kĩ thuật chăm sóc, từ khâu chọn giống đến chế độ dinh dưỡng, chuồng trại, vệ sinh phòng bệnh… Vịt là loài thủy cầm ăn tạp. Thức ăn của chúng gồm nhiều loại. Loại cung cấp prô-tê-in có thóc, ngô, khoai, sắn, cám… Loại cung cấp chất khoáng có bột vỏ sò, bột xương… Thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cho vịt khỏe mạnh, tăng trưởng nhanh, đẻ nhiều và chất lượng thịt cao.

Trong giai đoạn hiện nay, ngành chăn nuôi trong đó có chăn nuôi vịt đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Vịt là loài gia cầm đem lại nhiều lợi ích cho đời sống của con người, là nguồn thu nhập thường xuyên của nông dân.

Bài mẫu 2: Thuyết minh về con chim bồ câu

Chim bồ câu là giống chim nuôi hiền lành, xinh đẹp, được mọi người ưa thích. Dù ở thành phố hay ở nông thôn, người ta vẫn có thể nuôi được bồ câu.

Tổ tiên bồ câu nhà là bồ câu núi, hiện còn sống hoang dã ở nhiều vùng núi châu Âu, châu Á và Bắc Phi… Chim bồ câu được loài người thuần hoá đầu tiên ở Ai Cập, cách đây khoảng 5000 năm. Cho đến nay, trên thế giới có khoảng 150 giống bồ câu. Ở Việt Nam, chim bồ câu hơi nhỏ, trọng lượng chỉ khoảng năm, sáu lạng, có nhiều màu lông khác nhau như trắng, xám, nâu, xanh đen, đốm… Bồ câu nước ngoài như Pháp, Mĩ, Hà Lan có trọng lượng gần 1 kg

Thân hình của bồ câu gần giống như chim gáy nhưng lớn hơn một chút. Toàn thân chim bồ câu được bao phủ bởi một lớp lông vũ. Mình chim hình thoi, đuôi ngắn xòe rộng khi bay. Cổ chim dài khoảng 6 đến 7 phân, mỏ nhỏ và cong. Đôi mắt màu nâu tròn và sáng. Đầu chim quay đi quay lại rất linh hoạt, giúp chim dễ dàng mổ thức ăn, rỉa lông rỉa cánh. Đôi chân thanh mảnh màu hồng sậm có vảy bao bọc gồm 4 ngón, 3 ngón trước, một ngón sau đều có móng sắc, giúp chim đi lại nhẹ nhàng. Bồ câu tương đối dễ nuôi. Chúng ăn các loại hạt như thóc, lúa mì, ngô, đỗ… và rất ít khi bị bệnh.

Chim bồ câu nhà tuy sống trong điều kiện nuôi dưỡng tốt song vẫn mang những đặc điểm của chim bồ câu núi. Chúng thích sống thành từng đôi, sống theo đàn, trong những ngăn chuồng khô ráo, sạch đẹp. Con trống có động tác gù mái, con mái đẻ mỗi tháng một lứa hai trứng.

Chim bồ câu bay rất giỏi, có thể đạt tới vận tốc 100 km/h và bay lâu hàng trăm kilômet không nghỉ như chim bồ câu đưa thư, song khi chúng đi trên mặt đất thì lại chậm chạp và vụng về.

Hiện nay, người ta nuôi chim bồ câu để ăn thịt và làm cảnh. Thịt bồ câu là món ăn cao cấp ngon và bổ. Món miến xào thịt chim, món chim bồ câu rô ti, món chim bồ câu hầm với hạt sen, thuốc bắc có tác dụng bồi bổ sức khỏe rất tốt.

Chim bồ câu gắn bó với đời sống tinh thần của con người từ lâu đời. Mỗi sớm mai, được nghe tiếng chim gù, được nhìn những cánh chim bay vút lên trời xanh, tâm hồn con người trở nên thư thái, dễ chịu vô cùng!

Bố em rất thích nuôi chim bồ câu. Bố đóng cả dãy chuồng cho chim. Những chiếc chuồng được sơn màu xanh lá cây, cửa tròn viền trắng. Trước chuồng là tấm ván rộng chừng ba tấc để làm chỗ cho chim đậu và tắm nắng. Đấy là tổ ấm của những cặp vợ chồng, con cái bồ câu.

Cặp chim non mới nở được gần một tháng. Trông chúng mới ngộ nghĩnh làm sao! Chiếc mỏ màu hồng nhạt to quá cỡ lúc nào cũng há rộng ra như chờ đợi. Tiếng kêu chim chíp yếu ớt. Đôi chân nhỏ xíu lẩy bẩy đỡ tấm thân trụi lủi, thưa thớt mấy đám lông măng. Đôi mắt chúng tròn xoe, ngơ ngác nhìn ngó xung quanh, lấy làm lạ lắm. Chim mẹ chao nghiêng đôi cánh rộng, nhẹ nhàng đáp xuống bên con. Chim non cuống quýt há mỏ đòi ăn. Chim mẹ mớm mồi từng chút, từng chút vào cái mỏ háu đói. Mặc cho chim non thúc giục, chim mẹ chẳng vội vàng. Chim bố nãy giờ đứng ở đầu chuồng canh chừng. Nó ngắm nhìn chim mẹ, chim con rồi cất tiếng gù gù, vẻ hài lòng lắm.

Cảnh tượng trên gợi lên trong lòng em một niềm xúc động về tình mẫu tử thiêng liêng. Tiếng chim trong buổi sáng giữa vườn cây trái sum suê gợi lên cuộc sống êm ả, thanh bình, đáng yêu biết mấy!

Chim bồ câu rất có ích cho con người. Hình ảnh con chim bồ câu trắng là hình ảnh tượng trưng cho hòa bình và thuỷ chung của nhân loại.

Trên đây là bài tập làm văn bài viết số 5 lớp 8, Baitaplamvan chúc các bạn học tốt!

Nguyễn Văn Vinh

Chào tất cả các bạn! Mình là Nguyễn Văn Vinh – làm việc tại trung tâm giáo dục BÀI TẬP LÀM VĂN. Rất mong được các bạn ủng hộ!

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button