Phân tích nhân vật viên quản ngục – Dàn ý + 3 bài văn mẫu
Bài tập làm văn phân tích nhân vật viên quản ngục trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân lớp 11 bao gồm dàn ý phân tích nhân vật viên quản ngục và các bài văn mẫu chọn lọc. Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các bạn học sinh phân tích nhân vật viên quản ngục hay nhất.
Dàn ý phân tích nhân vật viên quản ngục
1. Mở bài
– Giới thiệu tập truyện ngắn Vang bóng một thời.
– Giới thiệu truyện ngắn “Chữ người tử tù”.
– Giới thiệu nhân vật Quản ngục- vẻ đẹp của một thanh âm trong trẻo.
2. Thân bài
– Giới thiệu qua về tác phẩm, nhân vật.
– Giới thiệu tình huống truyện làm nổi bật vẻ đẹp của nhân vật.
a. Quản Ngục- một thanh âm trong trẻo, con người bị đặt nhầm chỗ.
– Cách xuất hiện:
+ Quản Ngục được giới thiệu ngay ở phần đầu tác phẩm trong cuộc trò chuyện với thầy thơ lại. Cái tên HC xuất hiện trong phiến trát khiến Quản Ngục ngờ ngợ, ông hỏi thầy thơ lại về HC với thái độ quan tâm, mến mộ một cách kín đáo.
” Chỉ một chi tiết nhưng cũng đủ để người đọc có những ấn tượng đầu tiên về nhân vật. Sự quan tâm đặc biệt dành cho HC và nhất là cái tài viết chữ “nhanh và đẹp” của kẻ tử tù như một sự chuẩn bị trước của nhà văn để gây ấn tượng về nhân vật.
– Từ cách giới thiệu ban đầu đó, nhà văn đã giúp ta hiểu rõ hơn về nhân vật này. Trong đêm đầu tiên hình ảnh Quản Ngục được khắc hoạ với dáng ngồi tư lự “khuôn mặt băn khoăn ngồi bóp thái dương…”. Có lẽ trong lòng viên quản ngục có một tâm sự kín đáo. Quản Ngục băn khoăn bởi sự xuất hiện của HC trong nhà ngục cũng có nghĩa là một kẻ tài hoa sắp phải chịu án tử hình. Một nỗi tiếc nuối mơ hồ trước một ngôi sao chính vị sắp từ biệt vũ trụ. Một khao khát thầm kín “Có ông HC trong tay…chữ”.
– Chỉ đến khi nghĩ là sẽ đối đãi để Huấn Cao đỡ cực trong những ngày còn lại khuôn mặt Quản Ngục mới giãn ra “như mặt nước ao …”.
” Quản Ngục là một con người kín đáo, điềm tĩnh và ẩn chứa một nỗi niềm khó nói.
– Sống nơi nhà ngục tăm tối ở chỗ người ta thường đối xử với nhau bằng lừa lọc, tàn nhẫn thế mà Quản Ngục lại là một “tính cách dịu dàng…”, lại biết đọc “vỡ nghĩa sách thánh hiền từ ngày còn bé”. Quản Ngục thực sự là một kẻ bị đặt nhầm chỗ “một thanh âm …”.
b. Sự xuất hiện của Huấn Cao trong nhà ngục tỉnh Sơn là điều kiện để làm nổi bật bản chất tốt đẹp của con người này mà bấy lâu nay hoàn cảnh làm cho khuất lấp
– Cái đáng quý nhất ở Quản Ngục chính là sự nâng niu trân trọng cái đẹp và tấm lòng biệt nhỡn liên tài:
+ Sự nâng niu trân trọng cái đẹp: Huấn Cao xuất hiện đã làm thức dậy niềm khao khát bấy lâu của Quản Ngục là “được treo ở nhà riêng một đôi câu đối” do chính tay Huấn Cao viết. Khao khát có được chữ của Huấn Cao khiến Quản Ngục dám làm những điều có thể nguy hại tới tính mạng.
” Sở nguyện cao quý của Quản Ngục giúp ta hiểu hơn con người Quản Ngục. Con người biết qúy trọng nâng niu cái đẹp hẳn không phải là một người xấu.
+ Tấm lòng biệt nhỡn liên tài:
• Nói về kẻ tử tù với một thái độ kính trọng không che giấu “Tôi nghe …rất đẹp đó không?”
• Cảm thấy tiếc nuối khi biết Huấn Cao sắp phải từ giữ cõi đời: “Bấy nhiêu …vũ trụ”.
• Dũng cảm biệt đãi Huấn Cao để Huấn Cao đỡ khổ hơn trong những ngày cuối cùng còn lại ngay cả khi bị Huấn Cao coi thường, khinh bỉ.
” Đọc CNTT không chỉ thấy thái độ không biết sợ của Huấn Cao đẹp mà thái độ biết sợ của Quản Ngục cũng đẹp không kém. Thái độ không biết sợ của Huấn Cao là cái đẹp của khí phách anh hùng. Thái độ biết sợ của Quản Ngục là cái đẹp của thiên lương trong sáng.
c. Sự gặp gỡ của viên Quản Ngục với Huấn Cao chính là sự gặp gỡ của những nhân cách cao đẹp khiến cho cảnh cho chữ càng giàu ý nghĩa
– Cảnh cho chữ lại diễn ra trong một nơi nhà ngục “đêm hôm đó trong trại giam tỉnh Sơn, ở một không gian chật hẹp, ẩm tối: “tường đầy mạng nhện…”. Nhưng giữa không gian chật hẹp đó với bút pháp tương phản nhà văn đã gây ấn tượng cho người đọc với hình ảnh tráng lệ, nổi lên giữa không gian tăm tối là bó đuốc tẩm dầu …là tấm lụa trắng tinh còn nguyên vẹn lần hồ…và mùi thơm của chậu mực. Ánh sáng từ ngọn đuốc, ngọn lửa như xua đi khung cảnh tăm tối ảm đạm chốn lao tù.
– Những nét vẽ như khắc như chạm đã vẽ lên một hình ảnh hào hùng “Một người tù…” cạnh đó là thầy thơ lại và Quản Ngục. Sự khúm núm, run run không phải là biểu hiện của sự hèn nhát mà là thái độ ngưỡng vọng trước cái đẹp, cái tài.
– Động tác của họ ăn ý nhịp nhàng “Huấn Cao…” thể hiện sự thấu hiểu tận đáy lòng.
” Không còn nhà ngục, không còn kẻ tử tù, không còn viên quan coi ngục nắm quyền sinh quyền sát trong tay, chỉ còn lại những dòng chữ tươi tắn.
– Những lời khuyên chân thành và thái độ ân cần của Huấn Cao đã làm cho Quản Ngục bừng tỉnh, vái lạy người tù. Có cái vái lạy làm cho con người ta trở nên thấp hèn, nhưng cũng có cái vái lẫy khiến tầm vóc con người lớn lao hơn. Và cái vái lạy của Quản Ngục trước Huấn Cao là một cái vái lạy tôn cao nhân cách. Đó là cái vái lạy trước cái đẹp.
“Quan niệm nghệ thuật của nhà văn: trong mỗi con người đều có một người nghệ sĩ, đều ẩn chứa tâm hồn yêu cái đẹp, cái tài. Không phải ai cũng xấu hết, bên cạnh phần ác quỷ vẫn có “thiên lương”.
Cái đẹp tồn tại cả trong môi trường của cái ác, cái xấu, nhưng không vì thế mà nó lụi tàn mà nó càng mạnh mẽ và bền bỉ như hoa sen giữa đầm lầy.
d. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
– Đặt nhân vật vào tình huống giàu kịch tính.
– Thủ pháp tương phản đối lập.
– Vốn văn hoá cổ và ngôn ngữ điêu luyện tạp nên sự hấp dẫn và net riêng cho nhân vật.
3. Kết bài
– Đáng giá thành công của tác phẩm, tài năng của nhà văn.
– Vẻ đẹp, ý nghĩa của hình tượng nhân vật.
Bài văn mẫu phân tích nhân vật viên quản ngục
Phân tích nhân vật viên quản ngục – bài 1
Khi tiếp cận và nghiên cứu tác phẩm “Chữ người tử tù” người đọc thường dành sự quan tâm đặc biệt đến nhân vật Huấn Cao – bức tượng đài trung tâm của tác phẩm mà quên mất rằng có một nhân vật góp phần không nhỏ làm nên giá trị độc đáo của thiên truyện ngắn này, đó chính là nhân vật viên quản ngục.
Hai chữ quản ngục đã phần nào gợi lên đầy đủ nghề nghiệp về nhân vật đó là nghề cai tù, nghề đại diện cho quyền lực phong kiến, đối lập với những con người tài hoa, khí phách như Huấn Cao, đối lập với cái đẹp. Nghề nghiệp ấy cũng gợi lên một môi trường của gông cùm, xiềng xích, tội ác. Nhân vật hàng ngày phải chứng kiến bao điều tàn nhẫn, lọc lừa ăn đời ở kiếp với bọn tiểu nhân tử tốt. Cảnh sống ấy dễ làm cho con người bị chai sạn, dễ bị đẩy vào bùn nhơ của tội lỗi nhưng ở quản ngục vẫn giữ được nhân cách tâm hồn. Cách ví von của Nguyễn Tuân thể hiện sự nhìn nhận khám phá đề cao con người mang vẻ đẹp thiên lương nghệ sĩ, đó là một thanh âm trong trẻo chen giữa vào bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ, là cái cao khiết giữa một đống cạn bã.
Để làm nổi bật thanh âm trong trẻo, cái cao khiết và đống cạn bã, nhà văn Nguyễn Tuân đã đi vào thể hiện nhân vật quan ngục là con người bị ném vào môi trường cạn bã nhưng vẫn giữ được thiên lương.
Điều đó bộc lộ qua thái độ và cách ứng xử của viên quản ngục đối với sáu người tử tù đặc biệt là đối với Huấn Cao. Khi nhận được phiến trác, quản ngục hỏi thầy thơ lại: “Tôi nghe ngờ ngợ… Huấn Cao… hay là cái người mà cả tỉnh Sơn Tây vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh rất đẹp đấy không?” Câu hỏi là sự thăm dò kín đáo, thận trọng nhưng cũng chính là bộc lộ sự ngưỡng mộ, khâm phục, kính nể của quản ngục đối với tài hoa, danh tiếng và khí phách của Huấn Cao.
Khi biết mình nắm trong tay sinh mệnh của Huấn Cao, quản ngục đã phải trải qua một cuộc đấu tranh tư tưởng. Ông ngồi đó với khuôn mặt tư lự và suy nghĩ. Quản ngục hiểu rằng, ông là người hành pháp phải làm việc theo bổn phận và chức trách mà chính quyền giao cho. Ông băn khoăn, trăn trở không biết phải đối xử với Huấn Cao như thế nào. Bởi đó là một con người mà từ lâu quản ngục đã mến mộ. Nguyễn Tuân đã dành những trang văn trang trọng, lên thơ miêu tả khung cảnh đêm tối khi quản ngục suy ngẫm: “Tiếng trống thu không… ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ”.
Để tô đậm nhân cách quản ngục, Nguyễn Tuân đã miêu tả thái độ khác thường của quản ngục khi tiếp đón sáu người tử tù. Quản ngục tiếp đón bằng cặp mắt hiền lành và kính nể. Cái nhìn ấy, tấm lòng ấy đã ẩn chứa một thái độ biệt nhỡn liên tài. Chính thái độ kiêng nể của quản ngục cho bon lính lấy làm lạ nhắc quản ngục: “Xin thầy để tâm cho…”, quản ngục đã trả lời với bọn lính: “việc quan ta đã có phép nước, các chú chớ nhiều lời”. Như vậy, Nguyễn Tuân đã khai thác yếu tố tương phản, đối lập giữa một bên là bọn lính áp giải hung hăng, với một bên là ánh mắt hiền lành của viên quản ngục để làm nổi bật: quản ngục tuy là đai diện cho quyền lực phong kiến nhưng ông không phải là hung đồ với bàn tay vấy máu, ngược lại sống giữa bùn nhơ nhưng không bị hoen ố, vấy bẩn mà thực sự là cái cao khiết giữa một đống cạn bã.
Ở nhân vật viên quản ngục, nhà văn không chỉ thể hiện vẻ đẹp nhân cách mà còn khám phá và thể hiện vẻ đẹp của một con người có tâm hồn của một người nghệ sĩ.
Theo cách giới thiệu của nhà văn, viên quản ngục là một nhà nho, biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền và có một khát vọng cháy lòng là xin được con chữ Huấn Cao, coi đó là vật báu. Nghĩa là đằng sau cái con người công cụ của bộ máy trấn áp quyền lực phong kiến, nhân vật viên quản ngục còn là một con người có tâm hồn nghệ sĩ, trân trọng cái đẹp, thưởng thức cái đẹp.
Khi biết Huấn Cao trở thành người tù nơi trại giam của mình, viên quản ngục khổ tâm nhất đó là có được Huấn Cao ở trong tay mà không làm thế nào để tiếp cận được Huấn Cao. Khi quản ngục tỏ ý biệt đãi Huấn Cao và Huấn Cao đã thể hiện thái độ khinh bạc nhưng quản ngục không hề trả thù ngược lại ông còn “xin lĩnh ý” rất từ tốn và khiêm nhường. Có lẽ, ông đã tự ý thức được khoảng cách xa vời giữa người tử tù Huấn Cao với mình và ông hiểu được cái đẹp phải tự nguyện chứ không phải là cưỡng bức bằng những mánh khoé tầm thường.
Cảnh xin chữ là nơi kết đọng vẻ đẹp tâm hồn nghệ sĩ của quản ngục. Khi Huấn Cao viết xong một chữ “viên quản ngục lại vội khúm núm”, sự khúm núm ấy không phải là nỗi sợ sệt tầm thường mà là cảm kích tột cùng trước một nhân cách lớn, tài năng lớn. Khi nghe những lời khuyên chân thành của Huấn Cao, quản ngục đã cảm động “vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào, kẻ mê muội này xin bãi lĩnh”. Đây không phải là cái cúi đầu đớn hèn, nhục nhã mà cái cúi đầu này khiến quản ngục trở nên lớn lao, cao cả bởi cúi đầu trước cái đẹp thì đó cũng là hành động đẹp. Phải chăng cái cúi đầu ấy như cái cúi đầu của Cao Chu Thần thuở nào: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Bên cạnh cái cúi lậy cao cả đó là giọt nước mắt của tâm hồn nghệ sĩ biết yêu, biết trân trọng đến xót xa ngậm ngùi, nuối tiếc cho cái đẹp.
Hình tượng viên quản ngục dẫu chỉ là một nhân vật phụ, là sự hoà quyện giữa nhân cách cao đẹp và tâm hồn người nghệ sĩ. Có thể ví, cuộc đời của viên quản ngục giống như một bông sen vươn dậy từ bùn lầy. Một đời cầm bút Nguyễn Tuân trong hành trình đi tìm cái đẹp và ông luôn cảm kích, ngợi ca những con người tài hoa nghệ sĩ trong bất cứ nghề gì và hình tượng viên quản ngục là một nhân vật như thế.
Phân tích nhân vật viên quản ngục – bài 2
Một nền văn học lớn là một nền văn học có nhiều phong cách, một nhà văn lớn là một nhà văn xây dựng cho mình một phong cách riêng độc đáo. Nguyễn Tuân là một nhà văn như thế. Phong cách nghệ thuật nổi bật của ông chính là tài hoa uyên bác và là một người suốt đời đi tìm cái đẹp. Chính bởi phong cách ấy mà những tác phẩm của ông mang đậm sự tài hoa uyên bác. Đặc biệt là chữ người tử tù, trong tác phẩm ấy ngoài nhân vật Huấn Cao ta cũng không thể nào không nhắc đến nhân vật Viên quản ngục. Dưới ngòi bút tài hoa uyên bác, một bậc phù thủy ngôn ngữ chẻ sợi tóc làm tư nhân vật ấy hiện lên cũng thật đáng chú ý.
Chữ người tử tù là một trong những truyện trong tập vang bóng một thời của nhà văn Nguyễn tuân. Tập truyện viết về những thói quen xưa cũ nay chỉ còn vang bóng mà thôi. Trong đó chữ người tử tù kể về một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ giữa nhân vật viên quản ngục và Huấn Cao. Không gian gặp gỡ là nhà tù nơi ngự trị của bóng tối và là kẻ thù của cái đẹp. Thời gian là những ngày cuối cùng của tử tù Huấn Cao. Ta thấy được cái tình huống éo le ấy nhưng còn thấy được sự éo le hơn trong chính thân phận của họ. Viên quản ngục là đạo diện cho triều đình còn Huấn Cao thì lại chống lại triều đình. Những trên bình diện nghệ thuật thì họ không còn là kẻ thù của nhau nữa. Huấn Cao viết chữ đẹp còn viên quản ngục thì lại yêu thích say đắm cái đẹp. Chính vì thế mà trên bình diện nghệ thuật họ là những người tri kỉ. Và đồng thời xuất phát từ tình huống truyện ấy ta cảm nhận được vẻ đẹp của viên quản ngục như những nốt nhạc thanh thót thanh cao trong một bản nhạc xô bồ.
Viên quản ngục là một người có sở thích sở nguyện cao quý. Đó chính là thích chữ đẹp của Huấn Cao. Nếu như sở thích của những viên quan tầm thường là vàng bạc hư danh, quyền quý an nhàn thì viên quản ngục trong tác phẩm này thì lại hoàn toàn ngược lại. Ông là một người có những sở thích và sở nguyện cao quý. Ông có tầm nhìn xa trông rộng và tâm tưởng thì hoàn toàn thoát khỏi những cám dỗ của vật chất cũng như những bóng tối của ngục tù. Ông làm quan những không hề hống hách mà chỉ biết làm tròn nhiệm vụ của bản thân mình. Ông giống như một âm thanh trong trẻo trong bản nhạc xô bồ ấy. Sở nguyện của ông là một ngày kia có một bức tranh chữ của Huấn Cao viết mà treo trong nhà thì quả thật là nhất. Cái sở nguyện yêu chuộng những giá trị văn hóa truyền thống ấy cho thấy được cái tâm hồn trong trẻo của ông. Mặc dù làm một tên quan cai ngục nhưng ông không đánh mất đi cái sự lương thiện trong bản thân mình. Ông không hề phụ thuộc vào triều đình. Khi biết Huấn Cao đến thì ông đã tìm mọi cách để xin chữ của ông dẫu biết rằng một khi bại lộ ra thì ông sẽ có thể mất đầu. Ta cảm nhận được ở con người ông những giá trị tôn vinh cái đẹp, tâm hồn ông không bị nhà ngục kia vấy đen. Trong cái nơi chỉ có sự đánh đập trả thù tra tấn đến dã man ấy mà tâm hồn ông vẫn sáng lấp lánh như một viên ngọc quý trong đêm. Kể cả khi việc xin chữ ấy gặp khó khăn khi Huấn Cao không hiểu được nỗi lòng của ông nhưng ông vẫn giữ niềm hi vọng và sở nguyện cao quý ấy. Có biết đến viên quản ngục chúng ta mới có thể hiểu hết được con người chúng ta. Nhiều khi cái chức vụ hay thân phận kia không quyết định đến lối sống và tâm hồn của họ.
Không chỉ là một người yêu chuộng cái đẹp và có sở nguyện cao quý mà viên quản ngục còn là một người rất biết trân trọng những con người tài giỏi như Huấn Cao nữa. Khi có phiến tráp báo rằng tên tội phạm nguy hiểm của triều đình sẽ được đưa đến đây trong vài ngày sau đó mới mang ra xử trảm thì viên quản ngục đã tỏ ra rất vui mừng khi gặp được người mà mình nể phục. những đồng thời ông cũng thấy tiếc cho con người tài giỏi ấy mà lại phải chuốc lấy cái chết. Được biết Huấn Cao có tài bẻ khóa vượt ngục nhưng viên quản ngục không mấy quan tâm về điều đó mà cái ông quan tâm là làm sao có thể tiếp cận được con người anh hùng ấy để xin chữ mà thôi. Ông trân trọng Huấn Cao thiết đãi Huấn Cao và những người bạn của Huấn Cao thịt rượu hàng ngày. Điều đó thể hiện sự trân trọng những con người tài giỏi của viên quản ngục. Thế rồi ông lần la hỏi Huấn Cao có cần gì thì cứ nói viên quản ngục sẽ thiết đãi. Mặc dù ở đó viên quản ngục là chủ nhưng khi muốn xin chữ và trân trọng người tài cho nên viên quản ngục hạ mình xuống xưng hô như một người bề dưới. Khi Huấn Cao quát mắng ông thì ông cảm thấy buồn nhưng ông không trách vì ông nghĩ rằng những kẻ chuyên trọc trời khuấy nước chỉ quen ngồi trên đầu người ta thôi.
Không những thế những hành động ấy của viên quan coi ngục chính là thể hiện sự trân trọng và đề cao những giá trị văn hóa của ông. Thái độ trân trọng nghệ thuật thư pháp chính là trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong nhà tù ấy bóng tối không nhuốm đen tâm hồn của viên quản ngục. Sức mạnh của cái đẹp làm cho tâm hồn của viên quản ngục vẫn thiên lương trong sáng lắm. Chính vì thế mà ông nhất định phải xin bằng được chữ của Huấn Cao. Khi Huấn Cao quyết định cho chữ viên quản ngục cảm thấy rất vui, ông như nhận ra nhiều điều, nhận thấy cả cái cách chọn nghề sai của mình nữa. Ông thể hiện thái độ kính trọng trước những lời dặn dò cuối cùng của một người tử tù. Viên quan ấy hứa rằng sau khi nhận được chữ của Huấn Cao thì sẽ trở về quê sống đê giữ cái thiên lương trong sáng của bản thân mình. Hai dòng nước mắt của ông khẽ rơi như thể hiện sự hối hận của mình. Qua đó ta thấy được viên quản ngục đúng là một người có thiên lương trong sáng trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà quên đi cả sự an toàn của bản thân.
Một lần nữa ta phải trầm trộ tài năng uyên bác của Nguyễn Tuân. Ông không những xây dựng được một nhân vật chính chuẩn mực mà đến một nhân vật phụ như viên quản ngục cũng để lại rất nhiều giá trị con người. Vẻ đẹp trong con người viên quản ngục cũng sáng lấp lánh. Cánh cửa nhà tù không thể nào cướp đi cái thiên lương trong sáng cùng sở nguyện cao quý của ông. Chuyện kết thúc cũng là lúc viên quản ngục tay nải về quê sống với thiên lương trong sáng của mình.
Phân tích nhân vật viên quản ngục – bài 3
Nguyễn Tuân với những trang anh hùng dũng liệt hiện lên dưới một 1 lớp ngôn ngữ dân tộc thuần khiết và chuẩn mực, luôn cố gắng hết sức mình để làm sống dậy một thời quá khứ rực rỡ. Và dường như cảm thấy mình không đủ sức. Nguyễn Tuân kéo cả những nhân vật của mình theo khuynh hướng ấy. Đó là trường hợp của viên quản ngục trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” (trong tập Vang bóng một thời).
Quản ngục: không phải là một anh hùng cao đẹp như Huấn Cao, lại càng không mang dáng vóc, tính cách của một tên đao phủ khát máu (Bữa rượu máu). Con người đó là một hình ảnh trung gian giữa cái đẹp và cái không đẹp. Dưới ngòi bút tài hoa của một bậc thầy về ngôn ngữ, hình ảnh trung gian ấy cũng mập mờ, không có ranh giới rõ rệt.
Thoạt nhiên, viên quản ngục có vẻ như là một con người cam chịu, yên phận và cũng chẳng có gì khác những kẻ cùng địa vị đương thời: “Chuyện triều đình quốc gia chúng ta biết gì mà bàn bạc cho thêm lời”. Cái khuôn khổ phong kiến, cái “phép nước” đã khiến quản ngục quen với việc nhận tù, giao tù, với “những mánh khóe hành hạ thường lệ”. Những lúc ấy, viên quản ngục cứ lạnh lùng như một cỏ may, ngoan ngoãn như một tên nô lệ trung thành với vai trò của mình.
Nhưng có ai ngờ, bên trong con người đó vẫn luôn tồn tại một mầm sống tươi xanh của cái đẹp. Cái mầm ấy bị đè bẹp nhưng vần khắc khoải sống như chờ đợi một lúc nào đó được vươn lên. Rồi thời điểm đó cũng đến. Huấn Cao, con người văn võ song toàn xuất hiện với “cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”. Quản ngục bắt đầu rơi vào một tâm trạng hết sức khó xử. Một sự đấu tranh âm thầm trở thành nét tiêu biểu cho quản ngục suốt truyện mà cũng chính là biểu hiện tiêu biểu cho quản ngục suốt truyện mà cùng chính là biểu hiện tiêu biểu cho tính “hướng nội” mỗi chúng ta thường bắt gặp trong tác phầm của Nguyễn Tuân.
Cuối cùng thì niềm đam mê cái đẹp cũng đã chiến thắng. Tuy cái chiến thắng đó chưa phải là tuyệt đối nhưng vẫn đủ biến viên quản ngục thành một con người khác. “Bấy nhiêu âm thanh phức tạp bay cao lần lên khỏi mặt đất, nâng đỡ lấy một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ”, “Ngôi sao chính trị” dĩ nhiên là ám chỉ Huấn Cao. Còn “thanh âm phức tạp” ngầm chỉ ai? Con người ấy chính là quản ngục. Quản ngục muốn nâng niu cái đẹp nhưng lại sợ. Vì thế nên Nguyễn Tuân đã để cho nhân vật này hóa thân thành một cái gì đó vô hình, hư ảo. Chi tiết đó vừa bộc lộ nét mạnh của Vang bóng một thời lãng mạn và khao khát đánh thức cái đẹp, vừa để lộ thấp thoáng điểm yếu và sự yếu đuối của Nguyễn Tuân trong cái nhìn hoài vọng xa xôi. Nó khiến Nguyễn Tuân như tránh né, đem ông trời ra mà trách: ‘‘Ông trời nhiều khi chơi ác đem đày ải những cái thuần khiết giữa một đống cặn bã”.
Cũng từ ý niệm ấy, quản ngục nghĩ mình “chọn nhầm nghề mất rồi”, Nguyễn Tuân đi tìm cái đẹp và đã tìm ra cái đẹp long lanh, mong manh giữa một vùng trời đen tối.
Việc miễn những mánh khóe hành hạ, biệt đãi những người tử tù, rồi bạo dạn xin chữ, một cách khéo léo từng chút từng chút gắn thêm nét đẹp vào con người quản ngục bởi vì: “Biết người tài, không phải là kẻ xấu”. Mặc dù vậy khi đã biệt đãi, đã toan tính cách xin chữ, quản ngục vẫn còn sợ, vẫn dặn viên thơ lại nói với Huấn Cao: “Miễn là ngài giữ kín cho”. Một chi tiết nhỏ nhưng chắc là không thể thiếu. Một chi tiết vừa lãng mạn vừa hiện thực. Mến cái tài của Huấn Cao nhưng sợ “phép vua”. Phải tinh tế lắm. Nguyễn Tuân mới phát hiện ra điều đó. Phải tài hoa lắm Nguyễn Tuân mới thể hiện được điều đó. Nếu không viết về nỗi sợ ngấm ngầm thì là không thật, mà Nguyễn Tuân lại là con người luôn vươn tới cái đẹp, cái thật. Nếu viết quá nhiều thì sẽ làm ngắt quãng mạch chuyển biến đang cuồn cuộn, sôi sục trong nhân vật hình tượng.
Mến cái tài của Huấn Cao, khát khao “có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời”, đến lúc này, quản ngục dường như không còn là quản ngục mà là hóa thân của Nguyễn Tuân với nhịp tim và hơi thở dành trọn cho sự nâng niu cái đẹp. “Một buổi chiều lạnh, viên quản ngực tái nhặt người đi sau khi tiếp đọc công văn”. Không còn là thương tiếc, xót xa mà đã đạt đến đỉnh điểm của niềm đau xót, thẫn thờ. Việc nhận công văn, quản ngục biết trước nhưng vẫn thấy đột ngột, hụt hẫng. Thiên lương vừa sóng dậy trong một con người đã thúc giục quản ngục hành động. Một. hành động trái ngược với những gì quản ngục nói: “Ta biết rồi, việc quan ta đã có phép trước”.
Tình yêu cái đẹp đến đam mê đã đánh thức khí phách tiềm tàng nằm im suốt bao nhiêu năm.
Trong cảnh cho chữ hùng vĩ, có một chi tiết đáng nhớ: “Người tù viết xong một chữ viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền xèng đánh dấu ô chữ đặt lên phiến lục ông”, “khúm núm” không phải chỉ vì nịnh bợ mà là vì cảm phục. Khi sự cảm phục lên đến đỉnh điểm cũng là lúc kết thúc truyện. “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Một nghệ thuật tài hoa, kết thúc truyện ở cao trào. Chính nghệ thuật độc đáo đó đã nêu bật cái đẹp toàn diện, toàn mĩ và rất đặc sắc của cả người xin chữ và người cho chữ.
Dọc theo suốt chiều dài của truyện, nhân vật quản ngục luôn tồn tại với một ý nghĩa nhất định. Quản ngục không chỉ là một hình tượng độc đáo mà còn là nhân vật hội đủ những đặc điểm chung nhất của Vang bóng một thời, của quan niệm và phong cách Nguyễn Tuân: lãng mạn mà vẫn hiện thực, là tiếng nói của thiên lương, của tinh thần dân tộc, là biểu hiện của sự “yêu mến và than tiếc những cái đã qua và có sức làm sống lại một thời xưa cũ”.
Trên đây là bài tập làm văn phân tích nhân vật viên quản ngục, Baitaplamvan chúc các bạn học tốt!