Soạn bài bánh trôi nước
Bài tập làm văn Soạn bài bánh trôi nước do Hồ Xuân Hương sáng tác được sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh tham khảo để hiểu rõ về Hồ Xuân Hương đã miêu tả lại hình dáng của chiếc bánh cũng như các công đoạn làm ra chiếc bánh trôi từ đó nhìn ra được số phận người phụ nữ thông qua hình ảnh bánh trôi nước để chuẩn bị tốt cho bài giảng của học kì mới sắp tới đây của mình.
Soạn bài bánh trôi nước
I. Đọc – hiểu văn bản
Câu 1
– Bánh trôi nước thuộc thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.
– Nhận dạng :
+ Số câu : 4.
+ Số chữ trong mỗi dòng thơ : 7 chữ.
+ Hiệp vần : chữ cuối cùng của các câu 1 – 2 – 4. Vần on : tròn – non – son.
Câu 2
a. Với nghĩa thứ nhất bánh trôi nước đã được miêu tả như thế nào.
Nét độc đáo của bài thơ là sự tương đồng rất tài tình giữa nghĩa tả thực chiếc bánh trôi nước và ý nghĩa tượng trưng về thân phận người phụ nữ trên nhiều phương diện : hình dạng, màu sắc, sự chìm nổi… trong từng câu chữ.
b. Với nghĩa thứ hai, vẻ đẹp, phẩm chất cao quý và thân phận chìm nổi của người phụ nữ được hiện lên như thế nào ?
Hình ảnh chiếc bánh trôi nước | Hình ảnh người phụ nữ |
Màu sắc, hình dáng : Bánh có màu trắng, hình tròn, thuộc loại bánh trần được làm từ nguyên liệu bột nếp. | Vẻ đẹp hình thức (hình dáng, màu da) : Rất xinh đẹp, thân hình đầy đặn, làn da trắng trẻo ‘vừa trắng lại vừa tròn’ – > điệp từ vừa thể hiện người phụ nữ rất có ý thức về vẻ đẹp của mình – > niềm tự hào kiêu hãnh. |
Sự chìm nổi của chiếc bánh trôi : Bánh làm xong, nước sôi bỏ bánh vào bánh chìm xuống, lúc bánh vừa chín tới nổi lên mặt nước – ‘Bảy nổi ba chìm’. | Sự chìm nổi của thân phận người phụ nữ : Hình thức xinh đẹp, nhưng thân phận lại long đong chìm nổi trên dòng đời trong đục đầy vơi – ‘Bảy nổi ba chìm với nước non’. |
Sự phụ thuộc của chiếc bánh : Chiếc bánh trôi đẹp hay xấu, lành hay rách, rắn hay nát phụ thuộc vào tay người làm bánh dở hay giỏi, khéo hay không – ‘Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn’. | Sự phụ thuộc của người phụ nữ : Cuộc đời người phụ nữ vui hay buồn, sướng hay khổ, hạnh phúc hay bất hạnh phụ thuộc vào chồng, không tự quyết định được số phận, cuộc đời của mình. |
Thành phẩm của chiếc bánh trôi : Bánh làm xong, chiếc bánh phải lành lặn, màu trắng, bên trong ánh lên nhân màu hồng ngọt ngào tươi đỏ. | Phẩm chất người phụ nữ : Dù cuộc đời có chìm nổi, trong đục, vẫn người phụ nữ vẫn vượt lên hoàn cảnh, số phận thủy chung, son sắt nhân hậu vị tha với cuộc đời. |
c. Nghĩa nào quyết định giá trị bài thơ ?
Từ chiếc bánh trôi mộc mạc đời thường Hồ Xuân Hương đã thổi linh hồn vào ngôn ngữ hình ảnh, để cho nó trở thành hình ảnh biểu tượng về số phận cuộc đời của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Và đây là ý nghĩa chủ đạo mà nữ sĩ họ Hồ muốn đề cao qua bài thơ của mình.
II. Luyện tập
Câu 1. Ghi lại những câu hát than thân đã học ở bài 4 bắt đầu bằng hai từ ‘Thân em’. Từ đó tìm mối liên quan trong cảm xúc giữa bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương với những câu hát than thân.
– Những câu hát than thân mở đầu bằng hai từ ‘Thân em’.
Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.
Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa.
– Mối liên quan cảm xúc về những câu hát than thân và bài thơ :
+ Đều viết về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
+ Đều đề cập đến nỗi khổ đau vì bị phụ thuộc, không có quyền quyết định được số phận và cuộc đời của mình.
+ Như vậy từ những tiếng than của người phụ nữ trong ca dao, Hồ Xuân Hương đã cất lên tiếng thơ của mình, vì vậy mà tiếng thơ của Xuân Hương dù được làm bằng thể thơ Đường luật vẫn rất gắn bó gần gũi với đời sống, với mọi người.
Câu 2. Học thuộc lòng bài thơ.
Trên đây là bài tập làm văn soạn bài bánh trôi nước, chúc các bạn làm tốt bài văn của mình!