Soạn bài cô bé bán diêm
Bài viết soạn bài cô bé bán diêm ngắn gọn nhất thuộc môn ngữ văn lớp 8 là tài liệu tham khảo giúp các bạn học sinh nắm rõ kiến thức về nội dung, nghệ thuật và giá trị nhân đạo của tác phẩm để từ đó học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 8 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình.
Soạn bài cô bé bán diêm
I. Kiến thức cơ bản để soạn bài cô bé bán diêm
1. Về tác giả:
Hanx Cri-xti-an An-đéc-xen (1805-1875) là nhà văn Đan Mạch nổi tiếng chuyên viết truyện cho thiếu nhi. Ông có thể dựa theo những câu chuyện cổ tích được lưu truyền trong dân gian để viết lại, nhưng cũng nhiều truyện ông tự sáng tác mới hoàn toàn. Dù theo cách nào thì những câu chuyện của ông (Cô bé bán diêm, Bầy chim thiên nga, Nàng tiên cá, Bộ quần áo mới của hoàng đế, Nàng công chúa và hạt đậu,… ) cũng luôn được các bạn nhỏ khắp nơi trên thế giới (trong đó có Việt Nam) hoan nghênh nhiệt liệt. Các nhân vật của ông đôi khi ở trong những hoàn cảnh rất thương tâm nhưng nhìn chung truyện của ông luôn lấp lánh thứ ánh sáng lãng mạn kì ảo, kết thúc có hậu, mang đến cho bạn đọc niềm tin và tình yêu đối với cuộc sống.
Nhà văn Nguyễn Tuân đã viết: “Một em nhỏ nào đã đọc qua truyện ngắn Ăngđớcxen ([1]) thì trọn đời không khi nào quên và dửng dưng với thơ ca, mộng ước, tình thương yêu và lòng công bằng. Còn trứng nước, người độc giả tí hon thấy ở truyện Ăngđớcxen cái thế giới tưởng tượng xa xôi có yêu tinh nhưng cũng có nàng Tiên, và sớm biết rằng kẻ ác dù oai tợn đến đâu rồi cuối cùng cũng cứ lăn chiêng đổ nhào. Lớn dần lên, tưởng tượng dồi dào hơn, người bạn đọc sẽ thấy nhân vật là những người cố gắng vượt khó để tiến gần lên công lí và nhích mãi tới chân lí. Đứng tuổi rồi thì người bạn đọc sẽ thấy ở truyện ngắn đó bừng lên những kinh nghiệm về lẽ đời và đạo người, thấy cái triết lí sinh động của sự sống, và cái lí giải chân xác về cuộc sống. ở người độc giả lớn tuổi, Ăngđớcxen đã biết tỉnh gợi được lại cái phần hồn nhiên trong trắng vẫn đọng chìm, đánh thức lại những cái bồng bột chân chất của tuổi măng trứng để mà đối soi vào thực tế phiền phức.
[…] Ăngđớcxen là một văn hào nổi tiếng trong nước, và danh vang ra nhiều nước ngoài như Nga, Đức, Thuỵ Điển, Anh, Pháp, Mĩ,… Lúc sống đã như vậy và sau lúc nằm xuống, lại càng lừng lẫy. Sinh thời, Ăng-đớc-xen là bạn thân của Hen-ri Hai-nơ nước Đức, Vích-to Huy-gô nước Pháp, Sác-lơ nước Anh; M. Goóc-ki là người rất thích truyện ngắn Ăngđớcxen. Ăngđớcxen đã nói: “Tôi rất sung sướng thấy tác phẩm của tôi được đọc nhiều ở nước Nga vĩ đại và hùng cường mà tôi đã hiểu phần nào về văn học súc tích từ Ka-ra-ma-din, Pu-skin đến những thời cận đại”. Tự hào về cái phần của Tổ quốc Đan Mạch mình đóng góp vào văn học thế giới, Ăngđớcxen rất tha thiết với những thành quả của các nền văn học các nước. Ăngđớcxen đã được dịch ra từ lâu rồi ở trên thế giới, trong khối dân chủ và cả ở nhiều nước tư bản. Riêng ở Liên Xô, đã dịch ra 33 thứ tiếng khác nhau, xuất bản 190 lần gồm hơn 7 triệu cuốn, đã phổ nhạc cho kịch viện thiếu nhi, các hý viện soạn truyện thành kịch, và đài truyền thanh có những buổi phát thanh cho trẻ em Liên Xô và dành riêng cho các truyện Ăngđớcxen.
2. Về tác phẩm:
Đoạn trích Cô bé bán diêm tuy không đầy đủ nhưng cũng đã cho thấy một nghệ thuật kể chuyện rất hấp dẫn của An-đéc-xen. Các tình tiết được sắp xếp, miêu tả hợp lí, thủ pháp lãng mạn phát huy tối đa hiệu quả khiến cho cái chết của cô bé bán diêm tuy rất thương tâm nhưng không bi thảm, để lại nhiều dư vị, cảm xúc tốt đẹp trong lòng bạn đọc.
a) Trong phần thứ nhất, người đọc có thể thấy được hoàn cảnh của cô bé bán diêm:
Nhà cửa sa sút, mẹ chết, bà nội qua đời, chỉ còn người bố khó tính hay mắng nhiếc, chửi rủa, và đánh đập em. Nhà em lúc này là một xó tối tăm, trên gác sát mái nhà.
Thời gian câu chuyện xảy ra vào đêm giao thừa lạnh buốt. Không gian là ngoài đường phố lạnh lẽo. Em bé bán diêm phải ngồi nép trong một góc tường cho đỡ lạnh.
Trong truyện, nhà văn đã sử dụng các hình ảnh tương phản:
Ngôi nhà đẹp đẽ, xinh xắn, nơi em sống đầm ấm xưa kia so với một xó tối tăm, trên gác sát mái nhà gió lùa lạnh lẽo;
Cửa sổ mọi nhà sáng rực ấm áp với ngoài đường phố tối ở góc tường, giữa hai ngôi nhà;
Phố xá sực nức mùi ngỗng quay với cảnh em bé đói rét.
Những hình ảnh tương phản này làm nổi bật tình cảnh đáng thương của em bé: người mẹ đã qua đời, người bà đã mất, chỉ còn lại người bố hay mắng nhiếc, chửi rủa.
b) Những mộng tưởng của cô bé mỗi lần quẹt diêm:
Lần thứ nhất, vì em đang rét nên “Em tưởng chừng như đang ngồi trước một lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng”.
Lần thứ hai, em đang đói, nên mơ ước “Bàn ăn đã dọn, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa bằng sứ quý giá, và có cả một con ngỗng quay”.
Lần thứ ba, khi đã được ấm, no trong tưởng tượng, em ước “một cây thông Nô-en. Cây nỳa lớn và lộng lẫy… Hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi và rất nhiều nhiều bức tranh màu sắc rực rỡ như những bức bày trong các tủ hàng”.
Lần tiếp theo, “em bé nhìn thấy rõ ràng bà em đang mỉm cười với em”.
Lần cuối cùng, vì muốn níu bà ở lại, “em quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao. Diêm nối nhau chiếu sáng như giữa ban ngày. Chưa bao giờ em thấy bà em to lớn và đẹp lão như thế này. Bà cụ càm lấy tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi”.
Đó là diễn biến hợp lý trong những mộng tưởng khi cô bé quẹt diêm. Trong số các mộng tưởng ấy, những điều gắn với thực tế là lò sưởi, bàn ăn, cây thông Nô-en. Những điều thuần tuý chỉ là mộng tưởng là ngỗng quay nhảy ra khỏi đĩa, mang cả dao ăn, phuốc sét cắm trên lưng tiến về phía em bé, bà em đang mỉm cười với em, bà cụ cầm lấy tay em, hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi…
c) Truyện ngắn Ăngđớcxen đã cụ thể hoá những hoài bão của tác giả.
Càng am tường về sự mục ruỗng và đê tiện của đám quyền tước thống trị, mà tác giả lại càng nhận thức sâu sắc được về bản chất thuần phác của những con người nghèo, đói sạch, rách thơm và tâm hồn có rất nhiều điểm rất cao quý. Truyện nào của Ăngđớcxen cũng phụng sự cho những người thường dân làm lụng, rất nhiều thiện ý nhưng cũng rất nhiều đau khổ. Cái xấu, cái ác, tủi thương khổ não vẫn bao vây con người, nhưng nhà viết đoản thiên kì tài của chúng ta vẫn là người tin chắc ở tương lai hạnh phúc, vẫn giữ độc giả mình đứng sát vào điều thiện. Cái lòng lạc quan ở em bé bán diêm ấy cũng đã bao trùm toàn bộ trước tác”
(Nguyễn Tuân: Chuyện nghề, NXB Tác phẩm mới, 1986, tr. 11-13).
I. Đọc – hiểu văn bản để soạn bài cô bé bán diêm
Câu 1. Hãy xác định ba phần của văn bản này nếu lấy việc em bé quẹt những que diêm làm phần trọng tâm. Căn cứ vào đâu để có thể chia phần thứ hai thành những đoạn nhỏ hơn?
– Truyện này có thể chia làm ba phần:
+ Từ đầu đến… đôi bàn tay đã cứng đờ ra: em bé bán diêm ngồi trong bóng tối và giá rét của đêm giao thừa.
+ Từ “Chà! Giá rét quẹt một que diêm… “đến” về chầu Thượng đế”: em bé quẹt một số que diêm và tưởng như trông thấy nhiều cảnh đáng thèm muốn.
+ Từ « Sáng hôm sau… » đến « em đã chết trong những ảo ảnh kì diệu ».
– Nếu căn cứ vào những lần em quẹt diêm thì có thể chia phần 2 thành những đoạn nhỏ hơn :
+ Em quẹt que diêm thứ nhất : thấy vui như ngồi trước lò sưởi.
+ Em quẹt que diêm thứ hai : thấy vui như ngồi trước bữa ăn ngon.
+ Em quẹt que diêm thứ ba : thích thú như trước cây thông Nô-en rực rỡ.
+ Em quẹt que diêm thứ tư : sung sướng thấy bà đang mỉm cười với em.
+ Em quẹt que diêm thứ năm : hai bà cháu dắt tay nhau bay lên trời, thoát mọi đói rét và đau buồn.
Câu 2. Qua phần đầu, chúng ta được biết gì về gia cảnh của em bé bán diêm và thời gian, không gian xảy ra câu chuyện ? Liệt kê những hình ảnh tương phản đối lập được nhà văn sử dụng nhằm khắc họa nỗi khổ cực của cô bé :
– Hoàn cảnh của em bé bán diêm.
+ Gia đình mới sa sút (bà chết, gia sản tiêu tan, dời chỗ ở đẹp đẽ, ấm cúng ngày trước…)
+ Ở với cha trên gác sát mái nhà, gió lùa rét buốt.
– Hình ảnh cô bé bán diêm thật tội nghiệp :
+ Đầu trần, chân đất (đỏ ửng lên rồi tím bầm lại vì lạnh).
+ Quần áo cũ kỉ, tạo dề đựng đầy diêm mang đi bán, tay còn cầm thêm một bao nữa.
+ Bụng đói.
+ Lo âu vì không bán được diêm, không xin được tiền, không dám về vì sợ bố đánh.
– Bối cảnh :
+ Ngồi trước góc tường tối tăm giữa phố.
+ Co ro trong đêm giao thừa gió rét căm căm (tuyết phủ trắng xóa cả phố sá, gió bấc thổi vun vút…)
– Nhiều sự tương phản đã diễn ra xung quanh em bé và trong lòng em bé :
+ Quá khứ – hiện tại (yên vui, sum họp – sa sút, chia lìa).
+ Phố sá tưng bừng, tấp nập – em bé lang thang cô đơn nghèo khó.
+ Mộng ảo huy hoàng – thực tế tối tăm, khắt nghiệt.
Sự tương phản làm nổi bật hình ảnh và cảnh ngộ em bé : bị bỏ rơi trong bần cùng, bất hạnh nhưng tâm hồn luôn luôn hướng về điều thiện và cái đẹp.
Câu 3. Chứng minh rằng những mộng tưởng của em bé qua các lần quẹt diêm diễn ra theo thứ tự hợp lí. Trong số các mộng tưởng ấy, điều nào gắn với thực tế, điều nào thuần túy chỉ là mộng tưởng ?
– Qua các lần quẹt diêm, các mộng tưởng đã lần lượt hiện ra, rất hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh thực tế và tâm lí của em bé :
+ Khát khao được sưởi ấm đến được ăn no và ngon.
+ Vui vầy xung quanh cây thông Nô-en.
+ Hồi tưởng về những lần đón giao thừa ngày trước khi bà nội còn sống.
+ Cảnh hai bà cháu cầm tay nhau cùng bay lên trời.
Những cảnh đầu là những cảnh gần với sự thật, lúc em bé đang bị đẩy vào cảnh đói rét, không được như mọi người náo nức đón năm mới. Những cảnh sau, nhất là cảnh cuối cùng, là những ảo ảnh do em tưởng tượng nên, khôn có thực.
Câu 4. Phát biểu cảm nghĩ của em về truyện Cô bé bán diêm nói chung và đoạn kết nói riêng.
Cô bé ban diêm đa qua đời trong giấc mộng (má hồng, môi mỉn cười), em đã chết thảm thươn trức sjw lạnh lùng của cảnh vật xung quanh và của mọi người qua đường. Nhưng cái chết ấy không gây ấn tượng đen tối nặng nề. Trước hết là do không khí vui tươi của ngày đầu năm, của cuộc sống đang phát triển tự nhiên theo quy luật. Sau là do hình ảnh ấm áp, tươi tắn của em bé đã chết, nhất là những điều kì diệu mà tác giả đã gợi ra từ sự ra đi của em bé. Yếu tố kì diệu này làm câu chuyện có dáng dấp của một truyện cổ tích bi thương.
Câu 5. Nghệ thuật.
Truyện của An-đéc-xen kết hợp hài hòa sự kì diệu, hiện thực và sự quái dị cho nên bất cứ truyện nào của ông cũng sinh động như chính cuộc sống. Ở bất cứ truyện nào người ta cũng tìm thấy bóng dáng tự nhiên và xã hội của đất nước Đan Mạch quê hương thân yêu của An-đéc-xen.
Câu 6. Ý nghĩa.
Qua truyện Cô bé bán diêm tác giả như muốn tương phản cảnh đói rét khốn cùng của em bé bán diêm với cảnh sống sung túc, hoan hỉ của mọi nhà vào đêm giao thừa. Dường như tất cả đều quay lưng lại, thờ ơ với cuộc đời của em. Em đã thực sự bị bỏ rơi giữa cuộc đời no đủ, giàu sang. Đó là ý nghĩa nhân đạo của tác phẩm, là tấm lòng của An-đéc-xen với những cuộc đời khốn cùng và đau khổ.
Trên đây là bài tập làm văn soạn bài cô bé bán diêm, chúc các bạn làm tốt bài văn của mình!