Soạn bài đánh nhau với cối xay gió
Soạn bài đánh nhau với cối xay gió thuộc môn Ngữ văn lớp 8, trích trong tiểu thuyết Đôn ki-hô-te do Xéc-van-tét sáng tác. Soạn bài đánh nhau với cối xay gió này bao gồm kiến thức cơ bản, tóm tắt, rèn luyện kỹ năng và trả lời các câu hỏi sách giáo khoa giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp các bạn học sinh nắm rõ kiến thức về tư tưởng lỗi thời, với những ý tưởng tốt đẹp nhưng phi thực tế bởi hoàn cảnh xã hội để từ đó học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 8 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình.
Soạn bài đánh nhau với cối xay gió
I. Soạn bài đánh nhau với cối xay gió – Kiến thức cơ bản
1. Về tác giả:
Xéc-van-tét (1547 – 1616) là nhà văn Tây Ban Nha. Ông viết tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê khi thời đại của lối sống hiệp sĩ đã qua rồi. Trong thời đại công nghiệp, không ai còn sống theo kiểu đó nữa. Tuy nhiên, trong xã hội lúc bấy giờ, không ít người nuối tiếc quá khứ một thời, cố bám víu lấy nó bằng cách xây dựng cho mình những ảo vọng, những lí tưởng phù du, xa rời thực tế. Họ say mê đọc những cuốn tiểu thuyết hiệp sĩ được bày bán nhan nhản trên hè phố khiến cho đầu óc ngày càng mê muội. Xéc-van-tét nhận thấy rõ căn bệnh xã hội này và tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê ra đời là một thông điệp của nhà văn trước hiện tượng đó.
2. Về tác phẩm:
a) Xéc-van-tét viết Đôn Ki-hô-tê không phải để ca ngợi tinh thần hiệp sĩ mà là để phê phán một tư tưởng đã quá lỗi thời. Ông sáng tác một tác phẩm theo đúng kiểu tiểu thuyết hiệp sĩ nhưng đọc lên ai cũng hiểu ông muốn nói gì. Ông xây dựng một nhân vật hiệp sĩ già nua (dấu hiệu của sự hết thời), đầu óc chứa đầy những ý tưởng tốt đẹp nhưng phi thực tế, do đó không sao thực hiện nổi bởi lực bất tòng tâm và hoàn cảnh xã hội cũng không còn như trước nữa. Những thất bại liên tiếp trong trạng thái u mê của nhân vật này chính là lời cảnh tỉnh đối với những người chỉ thích sống trong hoài niệm cùng những lí tưởng viển vông.
b) Cuộc tranh luận giữa một bộ óc quá giàu tưởng tượng và một bộ óc hoàn toàn bình thường đã soi tỏ rất nhiều vấn đề về nhân vật chính của tác phẩm. Những chiếc cối xay gió – vật dụng đích thực do con người tạo ra nhằm khai thác nguồn năng lượng thiên nhiên thời bấy giờ nào có thiếu gì? Xan-chô vốn là một nông dân, hẳn chưa từng đọc một cuốn tiểu thuyết hiệp sĩ nào, lão chẳng thấy gì khác lạ ở những chiếc cối xay gió đó cả. Vì thế, với lão, cối xay gió thì vẫn chỉ là cối xay gió mà thôi!
Thế nhưng Đôn Ki-hô-tê, người đã từng nổi máu hiệp sĩ bênh vực một em bé bị chủ đánh đòn rồi hả hê bỏ đi (không biết rằng sau đó em bé còn bị đánh đau hơn) thì không nghĩ như vậy. Còn gì buồn hơn đối với một hiệp sĩ khi đã lang thang cả ngày mà không có kẻ thù nào để tấn công? Ngốn quá nhiều tiểu thuyết hiệp sĩ, đầu óc lão trở nên u mê đến mức không phân biệt được thật giả, không nhận ra nổi những chiếc cối xay mà có lẽ một đứa trẻ cũng biết.
Hư cấu như vậy liệu có quá chăng? Thật khó có thể tin rằng một người không phân biệt nổi sự khác nhau giữa một chiếc cối xay và một tên khổng lồ độc ác. Tuy nhiên, đặt trong hệ thống các sự kiện, xem xét nó trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, có thể thấy chi tiết này hoàn toàn hợp lí. Khát vọng của Đôn Ki-hô-tê không được xây dựng trên thực tế mà là từ sách vở – những cuốn tiểu thuyết dày cộp được giai cấp quý tộc (đã sa sút kiểu như Đôn Ki-hô-tê) đọc ngốn ngấu như thể muốn dựa vào đó để vớt vát lại thời oanh liệt đã qua…
c) Bỏ qua những lời can ngăn của giám mã, Đôn Ki-hô-tê thúc con “nghẽo” còm (tác giả có lần gọi như thế vì nó quá gầy) xông vào đánh nhau với những chiếc cối xay.
Tinh thần chiến đấu của Đôn Ki-hô-tê thật đáng ca ngợi nếu như đó là một cuộc đấu thật sự. Lão biết lượng sức mình, biết rằng cuộc giao tranh sẽ rất khó khăn, bằng chứng là trước lúc xông lên, lão thét bảo Xan-chô lánh xa để lão đương đầu với chúng “trong một cuộc giao tranh điên cuồng và không cân sức”. Lão đã suy nghĩ và hành động như một hiệp sĩ đích thực, chỉ có điều đối thủ của lão lại không phải là lũ ác quỷ hay một thế lực độc ác, tàn bạo nào mà chỉ là những chiếc cối xay, thành ra tư tưởng và hành động của lão bỗng trở nên lố bịch.
Cuộc chiến đấu tuy nhanh gọn nhưng hậu quả của nó lại dẫn hai người đến một đề tài khác. Vấn đề là ở chỗ: khi người ta bị thương thì có nên rên rỉ hay không? Xan-chô rất ngạc nhiên vì thấy Đôn Ki-hô-tê đau đến vẹo cả xương sườn, không ngồi thẳng lên được mà lại không hề rên rỉ. Điều đó theo lão là không bình thường chút nào (“còn tôi, có thể xin thưa với ngài rằng, chỉ cần hơi đau một chút là tôi rên rỉ ngay”). Đau thì kêu đau, đó là phản ứng hết sức bình thường, dẫu rằng “hơi đau một chút” mà đã rên rỉ thì kể cũng yếu đuối. Nhưng có như thế mới càng thấy rõ tính cách khác người của Đôn Ki-hô-tê. Nhà văn tô đậm sự yếu đuối của Xan-chô để làm nổi bật sự “mạnh mẽ” của Đôn Ki-hô-tê (thủ pháp tương phản). Tiếng cười lại được bật lên ở cách lí giải: Đôn Ki-hô-tê sở dĩ không rên rỉ vì “các hiệp sĩ giang hồ có bị thương thế nào cũng không được rên rỉ, dù xổ cả gan ruột ra ngoài”. Té ra Đôn Ki-hô-tê làm thế chẳng phải vì lão có nghị lực gì ghê gớm gì mà chỉ vì lão không thấy các hiệp sĩ trong sách rên rỉ bao giờ!
d) Bằng thủ pháp tương phản được sử dụng triệt để đến từng chi tiết, từng câu chữ, tác giả đã làm nổi bật hai tính cách đối lập: một quá thực tế đến mức thô thiển, một quá lãng mạn đến mức viển vông. Đồng thời, tác giả còn làm nổi bật sự phi lí trong suy nghĩ và hành động của nhân vật Đôn Ki-hô-tê nhằm phê phán tính chất ảo tưởng, mơ hồ trong suy nghĩ và hành động của lão.
II. Soạn bài đánh nhau với cối xay gió – Rèn luyện kỹ năng
1. Tóm tắt:
Trên đường đi thực hiện những ý định viển vông, hai thầy trò phát hiện thấy ba bốn chục chiếc cối xay gió giữa đồng. Đôn Ki-hô-tê tưởng tượng đó là những tên khổng lồ, và quyết giao chiến. Bỗng lúc đó gió nổi lên, cối xay gió bắt đầu chuyển động và Đôn Ki-hô-tê càng hăng máu xông vào. Giáo gãy, ngựa và người văng ra, Đôn Ki-hô-tê bị đau như trời giáng. Kết cục, hai thầy trò đi về phía cảng La-pi-xê, vì Đôn Ki-hô-tê nghĩ: “con đường này có lắm người qua lại chẳng thể nào không gặp nhiều chuyện phiêu lưu khác nhau”.
2. Cách đọc:
Đọc đoạn trích này cần chú ý:
“Đánh nhau với cối xay gió” là một hành động mang tính chất điển hình cho người đọc thấy được những tư tưởng viển vông sẽ dẫn đến hành động điên rồ như thế nào.
Để tạo đối trọng, bên cạnh Đôn Ki-hô-tê lãng mạn viển vông, Xéc-van-tét xây dựng một nhân vật đối lập (Xan-chô) mà khi kết hợp lại đã tạo nên một cặp hình tượng bất hủ. Đằng sau tiếng cười hài hước vui nhộn do cặp nhân vật này tạo ra, có thể nhận thấy rất rõ một xã hội đang trong quá trình phân hoá sâu sắc.
III. Soạn bài đánh nhau với cối xay gió – Trả lời câu hỏi SGK
Câu 1 (trang 79 sgk Ngữ Văn 8 tập 1)
– Văn bản chia thành 3 phần:
+ Phần 1 ( Từ đầu… không cân sức) Trước khi đánh nhau với cối xay
+ Phần 2 (tiếp… người văng ra xa): Cuộc giao tranh giữa Đôn-ki và cối xay
+ Phần 3 (còn lại): Sau khi đánh nhau với cối xay
– 5 sự việc chính chủ yếu:
+ Nhìn thấy và nhận định về những chiếc cối xay gió
+ Thái độ, hành động của hai thầy trò Đôn-ki-hô-tê
+ Quan niệm và cách cư xử của hai thầy trò khi bị thương, đau đớn
+ Chuyện ăn
+ Chuyện ngủ
Qua những sự việc này tính cách đối lập của hai nhân vật được khắc họa rõ nét.
Câu 2 (trang 79 sgk Ngữ Văn 8 tập 1)
Tính cách của nhân vật Đôn-ki-hô-tê được bộc lộ:
– Trí tuệ: mê muội (đọc quá nhiều chuyện hiệp sĩ)
+ Thấy cối xay lại nghĩ bọn khổng lồ gian ác
+ Khi bị quật ngã lại cho rằng đó là do pháp sư yểm bùa biến những tên khổng lồ thành cối xay
– Tư tưởng: tiêu diệt cái xấu khỏi mặt đất, theo tinh thần hiệp sĩ
– Hành động: bất chấp nguy hiểm, lời can ngăn vẫn lao vào đánh nhau với cối xay gió
– Tính cách: dũng cảm, khắc khổ, cứng nhắc.
– Quan niệm sống: quên mình vì việc nghĩa (quên cả chuyện ăn, ngủ, chăm lo cho bản thân)
Đôn-ki-hô-tê là nhân vật có lý tưởng tốt- hành hiệp trượng nghĩa- nhưng hành động thì điên rồ, phi thực tế bởi chính những ảo tưởng, mê muội khi đọc chuyện kiếm hiệp.
Câu 3 (trang 79 sgk Ngữ Văn 8 tập 1)
– Xan- chô-pan-xa
– Trí tuệ: hoàn toàn tỉnh táo
+ Nhận thức được bản chất của sự vật- cối xay là cối xay
– Ước muốn: thực tế tới mức thực dụng
+ Mong được cai trị một vài hòn đảo
– Hành động; nhút nhát, sợ sệt
+ Không dám theo chủ vào đánh nhau với cối xay
+ Hơi đau một chút đã kêu ca ngay
– Quan niệm sống: quá chú trọng tới bản thân (quan tâm quá mức tới việc ăn, ngủ…)
– Tính cách: nhát gan, ích kỉ, vụ lợi nhưng trung thành, thực tế
Xan-chô-pan-xa là nhân vật tồn tại cả những mặt tốt, xấu, hay dở. Xan-chô-pan-xa rất thực tế, tỉnh táo nhưng nhân vật này thực dụng, hèn nhát, tham lam.
Câu 4 (trang 79 sgk Ngữ Văn 8 tập 1)
Đối chiếu Đôn-ki-hô-tê và Xan-chô-pan-xa về các mặt: dáng vẻ bên ngoài, nguồn gốc xuất thân, suy nghĩ, hành động… để thấy rõ nhà văn xây dựng một cặp nhân vật tương phản.
Phương diện | Đôn-ki-hô-tê | Xan-chô-pan-xa |
---|---|---|
Nguồn gốc xuất thân | Quý tộc | Nông dân |
Dáng vẻ bên ngoài | Gầy gò, cao lênh khênh | Béo lùn,cưỡi lừa thấp lè tè |
Suy nghĩ | ảo tưởng, mê muội, phi thực tế | Thực tế, tỉnh táo |
Hành động | Điên rồ, hấp tấp, thiếu suy xét | Thực dụng |
Mục đích | Làm hiệp sĩ trừ tà | Thu chiến lợi phẩm |
Tính cách | Dũng cảm, trọng danh dự, ảo tưởng | Nhát gan, thật thà, thực tế |
Trên đây là bài tập làm văn soạn bài đánh nhau với cối xay gió, chúc các bạn làm tốt bài văn của mình!