Soạn văn

Soạn bài hoàng lê nhất thống chí

Soạn bài hoàng lê nhất thống chí thuộc môn ngữ văn lớp 9, học kì 1 do Ngô gia văn phái sáng tác. Soạn bài hoàng lê nhất thống chí ngắn gọn giới thiệu với các bạn để tham khảo để hiểu rõ hơn về nội dung và ý nghĩa của hồi thứ mười bốn Hoàng Lê nhất thống chí để chuẩn bị tốt kiến thức để học tốt môn Ngữ văn lớp 9 một cách dễ dàng nhất.

Soạn bài hoàng lê nhất thống chí
Soạn bài hoàng lê nhất thống chí

Soạn bài hoàng lê nhất thống chí

I. Đọc – hiểu văn bản – Soạn bài hoàng lê nhất thống chí

Câu 1. Bố cục 3 phần.

Đoạn 1: từ đầu đến “năm Mậu Thân” – Được tin báo quân Thanh đã chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, thân chinh cầm quân dẹp giặc.

Đoạn 2: tiếp đến “nỗi kéo vào thành” – Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.

Đoạn 3: Còn lại – sự đại bại của quân Thanh và tình cảnh thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.

Câu 2. Phân tích hình tượng người anh hùng Quang Trung.

– Con người hành động mạnh mẽ, quyết đoán: từ đầu đến cuối đoạn trích, Nguyễn Huệ luôn là con người hành động một cách xông xáo, nhanh gọn, có chủ đích và rất quả quyết. Nghe tin giặc đã chiếm Thăng Long, mà không hề nao núng “định thân chinh cầm quân đi ngay”. Chỉ trong vòng một tháng, Nguyễn Huệ đã làm được bao nhiêu việc lớn: “tế cáo trời đất” lên ngôi Hoàng Đế, “đốc xuất đại binh” ra Bắc, gặp gỡ “người công sỉ ở huyện La Sơn”, tuyển mộ quân lính, mở cuộc duyệt binh lớn ở Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch hành quan, đánh giặc, bàn kế đối phó với nhà Thanh sau chiến thắng.

– Trí tuệ sáng suốt, sâu xa, nhảy bén. Sáng suốt trong việc phân tích tình hình thời cuộc và thế tương quan chiến lược giữa ta và địch. Lời phủ dụ quân lính ở Nghệ An như bài hịch ngắn gọn mà ý tứ sâu xa, phong phú, kích thích lòng yêu nước, tăng thêm tinh thần tự hào dân tộc cho quân sĩ. Ông cũng sáng suốt trong việc xét đoán và dùng người, thể hiện cách xử trí với các tướng sĩ tại Tam Điệp: Ông rất hiểu sở trường sở đoạn tướng sĩ, khen chê đều đúng người, đúng việc.

– Ý chí quyết thắng và tầm nhìn xa trông rộng: mới khởi binh đánh giặc, chưa giành lại một tấc đất nào, vậy mà vua Quang Trung đã nói chắc như đinh đóng cột “phương lược tiến đánh đã có tính sẵn”, lại còn tính sẵn cả kế hoạch ngoại giao sau khi chiến thắng đối với một nước lớn, để có thể dẹp “việc binh đao”.

– Tài dụng binh như thần: cuộc hành quân thần tốc do vua Quang Trung chỉ huy đến nay vẫn còn làm chúng ta kinh ngạc. Ngày 25/12 bắt đầu xuất phát ở Phú Xuân (Huế) ngày 29 đã đến Nghệ An, vượt qua khoảng 340 km núi đèo. Tại đâu vừa tuyển quân, tổ chức đội ngũ, vừa duyệt binh lớn, chỉ trong một ngày. Hôm sau tiến ra Tam Điệp (150 km). Vậy mà đến 30 tháng Chạp đã lập tức lên đường tiến quân ra Thăng Long. Mà tất cả đều là đi bộ. Hành quân xa như vậy, nhưng cờ nào đội ấy vẫn chỉnh tề, cũng do tài tổ chức của người cầm quân. Hơn một vạn quân mới tuyển đặt ở trung tâm, còn quân tinh nhuệ thì bao bọc ở bến doanh tiền, hậu, tá, hữu.

– Hình ảnh lẫm liệt trong chiến trận: Hoàng đế Quang Trung thân chinh cầm quân: tự thống lĩnh một mũi tiến công, cưỡi voi đốc thúc, xông pha tên đạn… trong trận đánh đồn Ngọc Hồi (cảnh “khóa hỏa mù trời” nổi bật hình ảnh nhà vua “cưỡi voi đi đốc thúc” – Có cuốn sử đã ghi vào đến Thăng Long, tấm áo bào đỏ của vua đã xạm đen khói súng).

Đoạn văn trần thuật này không chỉ nhằm ghi lại những sự kiện lịch sử diễn ra gấp gáp, khẩn trương mà còn chú ý miêu tả cụ thể từng hành động, lời nói của nhân vật chính. Qua đó, hình ảnh người anh hùng được khắc họa khá đậm nét, có tính cách quả cảm, mạnh mẽ, có trí tuệ sáng suốt, nhạy bén có tài dụng binh như thần, là linh hồn của chiến công vĩ đại.

Các tác giả có thể viết thực và hay như vậy, về người anh hùng Nguyễn Huệ, vì quan điểm phản ánh hiện thực của họ là tôn trọng sự thực lịch sử. Dù có cảm tình với nhà Lê, song ý thức dân tộc ở những người trí thức này khiến họ vẫn không thể bỏ qua sự thực là nhà Lê hèn yếu đã cõng rắn cắn gà nhà và chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung là niềm tự hào lớn của cả dân tộc.

Câu 3. Đoạn trích cũng miêu tả rõ sự thảm bại của bọn quân tướng nhà Thanh, tiêu biểu là Tôn Sĩ Nghị.

Y là một tên tướng bất tài, kiêu căng, tự mãn, chủ quan khinh địch. Khi quân Tây Sơn đánh đến nơi thì tướng “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặt áo giáp chuồn trước qua cầu phao” quân thì “run rời sợ hãi, bỏ chạy tán loạn, xéo lên nhau mà chết”. “Quân sĩ các doanh – nghe tin hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu, xô đẩy nhau rơi xuống sông… nước sông Nhị Hà tắc nghẽn không chạy đượ nữa…”.

Số phận của bọn vua tôi phản dân, hại nước cũng thảm hại không kém Lê Chiêu Thống và bề tôi trung thành của ông ta vì mưu lợi riêng của dòng họ mà đem vận mệnh cả dân tộc đặt vào tay kẻ thù xâm lược, lẽ tất nhiên, kết cục cũng phải chịu số phận bi thảm của kẻ vong quốc. Lê Chiêu Thống “Chạy bán sống bán chết, cướp cả thuyền dân qua sông, mấy ngày không ăn”.

Đoạn văn miêu tả chân thực tình cảnh khốn quẫn của vua Lê Chiêu Thống, nhưng tác giả gửi gắm ở đó một chút cảm xúc ngậm ngùi của người bề tôi cũ.

Câu 4: Hình tượng Quang Trung – Nguyễn Huệ được xây dựng chân thực, sinh động với hành động, trí tuệ, tài điều binh khiển tướng, mưu lược… của một vị anh hùng dân tộc:

Hành động mạnh mẽ, quyết đoán:

Tiếp được tin báo quân Thanh chiếm đóng Thăng Long, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay;
Lên ngôi hoàng đế, đốc suất đại binh ra Bắc dẹp giặc;
Gặp Nguyễn Thiếp để hỏi cơ mưu;
Tuyển mộ quân lính ở Nghệ An, duyệt binh, phủ dụ quân sĩ, lên kế hoạch tiến quân đánh giặc;
Trí tuệ sáng suốt, mẫn cán, điều binh khiển tướng tài tình:

Phân tích tình hình, quyết định tiến quân tiêu diệt giặc;
Lời lẽ sắc bén, chặt chẽ, kích thích được tinh thần tự tôn dân tộc của tướng sĩ: lời phủ dụ;
Vạch kế hoạch đánh giặc, sử dụng chiến lược, chiến thuật hợp lí, độc đáo (cách hành quân thần tốc, cách chống lại súng của giặc, chiến thuật nghi binh…);
Biết dùng người đúng sở trường, ở đoản, đối đãi công bằng.
Ý chí quyết chiến quyết thắng, tầm nhìn xa trông rộng: mạnh bạo, tự tin trong kế sách đánh giặc, tính toán trước sau chu toàn (trước khi đánh giặc đã tính đến cả đối sách với giặc sau khi chiến thắng)…

Hình tượng vua Quang Trung đã được miêu tả với đầy đủ những phẩm chất của một vị anh hùng, mang vẻ đẹp oai phong lẫm liệt. Tác giả Ngô gia văn phái vốn trung thành với nhà Lê mà vẫn viết về vua Quang Trung đầy tinh thần ngợi ca như vậy là vì họ đứng trên tinh thần dân tộc mà phản ánh. Nhờ vậy, càng tạo ra cho tác phẩm sức thuyết phục, tính chân thực cao, chứng tỏ tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử. Đây cũng là điểm đặc sắc của thể loại tiểu thuyết lịch sử.

Câu 5: Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống phản nước, hại dân:

Quân tướng nhà Thanh:

Tôn Sĩ Nghị bất tài, không nắm được tình hình thực tế, kiêu căng tự mãn, trễ nải quân cơ: “chỉ chăm chú vào yến tiệc, vui mừng, không hề lo chi đến việc bất trắc; khi quân Tây Sơn đánh đến thì “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, dẫn bọn lính kị mã của mình chuồn trước qua cầu phao”…
Quân tướng hèn nhát, thảm bại: khi nghe tiếng quân Tây Sơn, quân Thanh ở trong đồn Hạ Hồi “ai nấy rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng”; ở đồn Ngọc Hồi quân thì “bỏ chạy toán loạn, giày xéo lên nhau mà chết”, tướng thì tự thắt cổ chết; thấy nghi binh thì “đều hết hồn hết vía, vội trốn”; khi nghe tin Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy “đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều. Lát sau cầu lại bị đứt, quân lính đều rơi xuống nước, đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa.”…
Vua tôi Lê Chiêu Thống:

Vì lợi ích của dòng họ, vị thế nhà Lê mà trở thành những kẻ phản động, cõng rắn cắn gà nhà, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc;
Đớn hèn, nhục nhã trước quân Thanh;
Tháo chạy thục mạng, cướp cả thuyền của dân mà qua sông, khi đuổi kịp Tôn Sĩ Nghị thì “nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt”, rồi chấp nhận phận vong quốc, sau này phải cạo đầu tết tóc như người Mãn Thanh…

Câu 6: Về bút pháp của tác giả khi miêu tả hai cuộc tháo chạy (một của quân tướng nhà Thanh, một của vua tôi Lê Chiêu Thống):

Cảnh tháo chạy của quân tướng nhà Thanh được miêu tả dưới cái nhìn hả hê, mãn nguyện của người thắng trận trước sự thất bại thảm hại của kẻ thù cướp nước: âm hưởng nhanh, gợi tả sự tán loạn, tan tác…

Cảnh bỏ chạy của vua tôi Lê Chiêu Thống được miêu tả dài hơn, âm hưởng chậm hơn, toát lên vẻ chua xót, ngậm ngùi.

Sở dĩ có sự khác biệt đó là vì: mặc dù tôn trọng tính khách quan trong phản ánh, song không thể chối bỏ được thái độ chủ quan khi quan sát, nhìn nhận; đối với quân tướng nhà Thanh, tác giả miêu tả với một tâm thế khác với khi miêu tả cuộc tháo chạy của vua tôi Lê Chiêu Thống – dẫu sao thì cũng là vương triều mình đã từng phụng thờ.

II. Rèn luyện kỹ năng – Soạn bài hoàng lê nhất thống chí

Văn bản này được trích từ Hồi 14 – tiểu thuyết chương hồi của Ngô gia văn phái – tái hiện lại những diễn biến quan trọng trong cuộc đại phá quân Thanh của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ. Mặc dù là một tiểu thuyết lịch sử nhưng Hoàng Lê nhất thống chí (biểu hiện cụ thể ở đoạn trích này) không chỉ ghi chép lại các sự việc, sự kiện mà đã tái hiện khá sinh động hình ảnh của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, sự thảm bại của quân xâm lược cùng với số phận bi đát của đám vua tôi nhà Lê phản dân, hại nước.

Khi đọc, chú ý giọng đối thoại và giọng của tiểu thuyết chương hồi.

Trên đây là bài tập làm văn soạn bài hoàng lê nhất thống chí, chúc các bạn làm tốt bài văn của mình!

Nguyễn Văn Vinh

Chào tất cả các bạn! Mình là Nguyễn Văn Vinh – làm việc tại trung tâm giáo dục BÀI TẬP LÀM VĂN. Rất mong được các bạn ủng hộ!

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Check Also
Close
Back to top button